Giếng Ngọc - Đền Cùng

Giếng Ngọc - Đền Cùng Khu Viêm Xá, Phường Hòa Long, Thành phố Bắc Ninh, Bắc Ninh


“Dù ai đi lễ bốn phương. Không bằng linh hiển thắp hương Đền Cùng". Với những câu chuyện nhiệm màu, linh thiêng được kể bao đời, Đền Cùng - Giếng Ngọc là điểm đến tâm linh thu hút dòng khách thập phương từ muôn nơi đổ về, nhất là dịp đầu xuân năm mới.

Đền Cùng - Giếng Ngọc ở khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh (còn gọi là làng Diềm), là chốn địa linh, hiển ứng thờ Mẫu Tam Phủ từ ngàn xưa. Sự linh hiển của Đền Cùng đã nổi tiếng khắp dân gian từ lâu đời, từ thời Tiền Lý, Tiền Lê, thời Lý quan quân triều đình đánh giặc dọc tuyến sông Cầu, có đến chốn này cầu đảo và đều được ứng nghiệm đánh bại quân xâm lược…

Ngày nay nơi đây là địa điểm thu hút đông đảo khách thập phương về thăm quan, cầu tình duyên, công danh sự nghiệp, gia đạo tốt lành. Bước qua cổng tam quan của Đền Cùng ta thấy một quần thể kiến trúc hài hòa, cổ kính. Không gian nơi đây rất thoáng đãng với nhiều cây cổ thụ rợp bóng mát, khiến du khách đến đây luôn cảm thấy yên bình và trong lành.

Nằm giữa sân Đền Cùng là giếng Ngọc. Vào những ngày nóng bức, sau khi thăm quan và vào Đền dâng lễ, du khách thường không quên xin nước uống trong giếng Ngọc. Giếng Ngọc có hình bán nguyệt, rộng chừng 20m2, gồm 11 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc gỗ lim ở sát mép giếng. Dưới đáy giếng là lớp đá ong tự nhiên sâu khoảng 10m, nước giếng Ngọc màu xanh trong, có thể nhìn xuống tận đáy. Để lấy nước, du khách phải để giày, dép trên bờ và đi chân trần xuống dưới. Nước múc lên từ giếng có thể uống trực tiếp mà không cần lọc hay đun sôi, sẽ thấy vị mát lành và ngọt tự nhiên không đâu sánh được. Theo người dân làng Diềm, do nguồn nước chảy từ trong núi, thấm qua tầng tầng lớp lớp đá ong đã tạo nên vị ngọt, mát hiếm có. Bởi thế, người làng Diềm thường lấy nước giếng Ngọc về để pha trà đãi khách, nấu rượu dùng trong các dịp trọng đại của gia đình và dòng họ. Đối với du khách đến tham quan và cúng lễ Đền Cùng, nước Giếng Ngọc không chỉ đơn thuần là giải khát, mà còn tin rằng giúp khỏe mạnh, minh mẫn. Do đó, nhiều người mang theo cả bình đựng để xin nước giếng mang về với mong ước rước may mắn, tài lộc đến cho gia đình.

Làng Diềm vốn nổi tiếng là cái nôi của những làn điệu dân ca quan họ, để có được giọng ca Quan họ “vang, rền, nền, nảy” say đắm lòng người, người dân làng Diềm cũng tin rằng nhờ uống nước Giếng Ngọc mà có. Dù chưa thể khẳng định thực hư tác dụng thần kỳ của dòng nước nhưng những ai từng nghe các làn điệu quan họ nơi đây, sẽ không khó để nhận ra sự lắng đọng, ngọt ngào rất đặc trưng từ sâu trong giọng hát của các liền anh, liền chị.

Dù được du khách và người dân trong vùng lấy về dùng nhiều nhưng từ trước đến nay, nước Giếng Ngọc chưa bao giờ cạn, thậm chí cả trong mùa hạn hán. Vào những ngày mực nước xuống thấp, du khách đến thăm viếng sẽ dễ dàng nhìn thấy ba “cụ cá thần” bơi lội trong lòng giếng. Sở dĩ cá trong giếng được người dân tôn gọi là thần bởi không ai trong làng Diềm biết chính xác ba ông cá này có từ bao giờ. Người làng cho rằng, ba “cụ cá thần” là hóa thân của hai nàng công chúa Ngọc Dung và Thủy Tiên cùng một nàng hầu. Đền Cùng là nơi thờ tự hai nàng công chúa triều Lý vốn có công lập làng và truyền nghề cho dân. Đến thời vua Bảo Thái đã cho dựng quy mô ngôi đền trên những cột đá, mà ngày nay vẫn còn lại chứng tích. Các triều đại về sau đều có sắc phong tặng Mẫu được thờ ở đây. Trải qua trận lụt năm 1957, 1971 khiến nước tràn miệng giếng nhưng ba ông cá vẫn sống trụ tại đây mà không hề bơi đi nơi khác. Người dân trong làng cũng nhiều lần thả vào trong giếng một số loài cá và rùa, nhưng lạ thay không lâu sau chúng đều chết hoặc bò đi nơi khác. Với những câu chuyện nhiệm màu, linh thiêng được kể bao đời. Ngày nay, du khách thập phương về với Đền Cùng Giếng Ngọc không chỉ để đi lễ cầu may, cầu khấn những điều tốt lành mà còn muốn tự tay xuống xin nước trong lòng giếng, nhấp một ngụm để cảm nhận hương vị tinh túy của một làng quê quan họ.