Đền Lê Hoàn
Đền Lê Hoàn Làng Trung Lập, Xã Xuân Lập, Huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa
Đền Lê Hoàn ở ngôi làng hàng trăm năm tuổi, nơi đã sinh ra vị khai quốc của Triều Tiền Lê hiển hách trong lịch sử dân tộc - Lê Đại hành Hoàng đế. Hiện nơi đây vẫn còn một ngôi đền thờ Vua nằm ở cuối làng được mệnh danh là một trong những ngôi đền cổ bậc nhất xứ Thanh và được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Theo sử sách, Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941) tại trang Kẻ Xốp, huyện Di Phong Châu Ái (nay là làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) trong một gia đình nông dân nghèo. Cha là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị.
Năm lên 6 tuổi, Lê Hoàn mồ côi cả cha lẫn mẹ, làm con nuôi cụ Lê Đột ở trang Kẻ Mía (nay là làng Phong Mỹ, xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Lớn lên, Lê Hoàn tòng quân phò giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân, lập nhiều công trạng và được phong Thập đạo Tướng quân. Ông một lòng phò tá góp phần cùng Vua Đinh vỗ yên trăm họ, đất nước thái bình.
Mùa Đông tháng 10 năm Kỷ Mão (979), vua Đinh Tiên Hoàng và con trai cả Nam Việt Vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại. Lê Hoàn được cử làm nhiếp chính, giúp ấu Chúa nhà Đinh giữ yên biên cương xã tắc, dẹp tan nội phản, được Thái hậu Dương Vân Nga trao áo long bào.
Năm Canh Thìn 980 Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Thiên Phúc. Vua đánh tan quân Tống, giữ yên bờ cõi, chinh phạt Chiêm Thành từng bước khẳng định chủ quyền đất nước dân tộc, cho đúc tiền Thiên Phú chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giao thông, thương mại.
Sau đó, Lê Hoàn mất ngày 8 tháng 3 năm Ất Tỵ (1005) tại Cố Đô Hoa Lư - tỉnh Ninh Bình, thi hài Lê Hoàn được an táng tại Sơn Lăng, châu Trường Yên, ở ngôi 24 năm, thọ 65 tuổi, miếu hiệu là Đại Hành Hoàng đế.
Sau khi vua Lê Đại Hành mất, để tưởng nhớ công lao của Người, nhân dân đã lập đền thờ ngay trên mảnh đất mẹ con Vua đã ở. Lúc đầu đền còn hoang sơ, nhưng đến thời Hồng Đức triều vua Lê Thánh Tông cho xây dựng lại đền, cấp cho 67 mẫu ruộng dùng cho việc thờ cúng.
Trải qua bao biến cố của lịch sử, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, ngôi đền đã nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc cổ kính xưa. Đền thờ vua Lê có phong cách kiến trúc hình chữ Công mái xối theo kiểu đền thờ truyền thống của người Việt Mường cổ, hệ vì kèo đặc trưng gồm giá chiêng, chồng rường, con nhị, theo lối dầm đỡ chống nóc... tạo sự liên kết vững chắc cho ngôi đền cùng những bức chạm thủng, chạm nổi, thể hiện tư duy thẩm mỹ cao của người xưa.
Đặc biệt, đền còn bảo tồn được những tài liệu, hiện vật cổ như, bia ký, sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, hoành phi, hương án, khám thờ, tượng pháp, gốm sứ thời Lý, Trần, thời Minh và chiếc đĩa đá tương truyền là của vua Tống tặng vua Lê.
Tại đền thờ hiện nay còn 2 tấm bia được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XVII. Tấm bia thứ nhất được dựng vào năm Hoàng Định thứ 2 (năm 1602) Triều vua Lê Kính Tông, bia cao 1,22m, rộng 0,79m, dày 0,22m, đế bia vuông dày 0,28m, bốn mặt chạm cánh sen. Bia do Thượng thư Tế tửu Quốc tử giám Mai lĩnh hầu Phùng Khắc Khoan soạn. Nói về việc năm Hồng Đức thứ 15 (1484), vua Lê Thánh Tông cấp cho làng Trung Lập 67 mẫu ruộng dùng trong việc thờ cúng ở đền thờ vua Lê Đại Hành.
Bia thứ hai, được dựng vào năm Vĩnh Tộ thứ 8 (1626), nhân dịp trùng tu đền, theo đề nghị của dân bản xã, Lễ bộ Tả thị lang Phương lan hầu Nguyễn Thực soạn văn bia. Bia cao 1,65m x 1,17m dày 0,21m, đế bia hình chữ nhật dày 0,28m chạm xoáy nước. Trán bia khắc 8 chữ to Lê Đại Hành Hoàng đế điện miếu bi.
Văn bia gồm hai phần: Phần tự và phần minh; Phần tự nhắc về truyền thuyết bà Đặng Thị mộng hoa sen sinh ra đức Vua và việc lên ngôi của vua Lê là thuận lẽ trời và hợp lòng người, ghi lại những chiến công của vua Lê phá Tống bình Chiêm, xây dựng nước Đại Cồ Việt độc lập, tự chủ và hùng mạnh, buộc nhà Tống phải công nhận vương triều nhà Tiền Lê. Phần Minh có đoạn:
"Dân thờ phụng, nước tế tự Cầu thì cảm, ứng thì thông Chống tai dẹp họa Làm cho dân mạnh của giàu Ngầm giúp phúc cho nước Mãi mãi khôn cùng".
Đền thờ Lê Hoàn hiện được xem là ngôi đền cổ bậc nhất xứ Thanh; năm 1990 đền thờ Lê Hoàn được công nhận là Di tích cấp quốc gia; năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Bài viết liên quan
- Pù Luông
- Sầm Sơn
- Suối cá thần Cẩm Lương
- Vẻ đẹp Hàm Rồng
- Dấu xưa Lam Kinh
- Nga Sơn mùa cói
- Thanh Hóa: Xanh mướt quần thể thác Hiêu
- Ngắm trọn vùng đất thiên đường Pù Luông - Thanh Hóa
- Bến En: Nàng công chúa ngủ trong rừng sâu
- Vì sao Sầm Sơn được người Pháp gọi là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương?