Chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh


Chùa Vĩnh Nghiêm được 2 hòa thượng Thích Thanh Kiểm và Thích Tâm Giác từ Bắc vào Nam truyền bá Phật giáo cho khởi công xây dựng vào năm 1964 trên khu đất thấp nằm cạnh rạch Thị Nghè với diện tích khoảng 6.000m². Công trình hoàn thành vào năm 1971, mang đậm phong cách kiến trúc chùa Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La, tổng Trí Yên, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang (nay là thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang).

Kiến trúc chùa hình chữ công, gồm cổng tam quan mái ngói đỏ uốn cong và tòa nhà trung tâm. Tòa nhà trung tâm có hai tầng. Tầng trệt gồm nhà thờ Tổ, giảng đường, văn phòng, thư viện, phòng tăng... Từ đây, có ba cầu thang rộng dẫn lên sân thượng và Phật điện. Góc bên phải sân thượng có gác chuông, bên trong treo quả đại hồng chung đường kính 1,8m do phật tử dòng Tào Động ở Nhật Bản tặng năm 1969 để cầu nguyện cho Việt Nam sớm hòa bình.

Phật điện có kiến trúc kiểu chùa cổ miền Bắc với các góc mái uốn cong chồng diêm 2 lớp. Chính giữa nóc Phật điện gắn bánh xe pháp luân, các góc gắn hình đầu phượng. Phật điện gồm nhà Bái điện thờ Phật Thích Ca (ở giữa), Bồ Tát Văn Thù (bên trái) và Bồ Tát Phổ Hiền (bên phải), nhà Bản điện thờ Phật A Di Đà và nhà Địa tạng đường thờ Địa Tạng Bồ Tát. Trên các hương án ở Bái điện có phù điêu chạm khắc các ngôi chùa danh tiếng ở trong nước và một số nước châu Á. Tại hàng hiên hai bên lối vào Bái điện, mỗi bên đặt một pho tượng Kim Cang lớn.

Nằm bên trái tòa nhà trung tâm chùa Vĩnh Nghiêm là tháp Quán Thế Âm hình vuông, cao 35m, gồm 7 tầng, trên đỉnh có 9 bánh xe và những hình khối tròn gọi là Long xa và Quy châu. Đây là một trong những ngôi tháp đồ sộ bậc nhất của Phật giáo Việt Nam. Trong khuôn viên chùa còn có tháp đá Vĩnh Nghiêm thờ Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, cao 14m, gồm 7 tầng, làm từ 80m³ đá Thanh Hóa và được chạm khắc theo mô hình tháp Bút (Hà Nội). Đây là tòa tháp đá lớn nhất, cao nhất Việt Nam (tính đến năm 2013).

Chùa Vĩnh Nghiêm còn có khu Phương trượng gồm dãy nhà hình chữ L (nằm bao quanh hồ sen) để khách thập phương nghỉ ngơi và khu tăng xá làm trai đường.