Chùa Tạu

Chùa Tạu Làng Xuân Phả, Xã Xuân Trường, Huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa


Theo các cụ truyền lại, chùa Tạu có lịch sử xây dựng hàng nghìn năm. Tương truyền từ thời Lý đã có ngôi chùa này được làm bằng tranh tre trên vùng đất láng Trang, có thuyết cho rằng chùa được dựng vào năm Đinh triều Canh Thìn, rằng lúc ấy đạo phật đã truyền rộng ở nước ta, đây là ngôi chùa có sớm nhất ở vùng hữu ngạn sông Sù (sông Chu). Xưa kia chùa còn có tên gọi là chùa Láng, vốn ở xứ đồng Chấp bên bờ sông Sù. Do sự biến thiên qua thời gian, sông Sù đổi dòng, đến triều Lý, Trần cho đắp đê sông Sù, từ đó chùa mới được chuyển vào nội đê trên bờ vùng Tạu(làng Xuân Phả). Chùa vẫn làm theo hướng Tây Nam, hướng đền thờ Đại Hải Long Vương, chùa và đền hình thành quần thể văn hóa của Trang Xuân Phố. Thời ấy, số đông nhân dân trong vùng đều theo đạo Phật, dân làng kiêng kỵ tên húy thành hoàng của làng (Long) cho nên gọi là chùa Tạu. Hàng năm cứ đến các ngày lễ lớn như ngày 8 tháng 4 âm lịch ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh, các tăng ni, phật tử trong làng và các làng xã xung quanh tập trung về chùa Tạu làm lễ Phật, cầu kinh; các phật tử ở 4 phố Thọ Xuân như: Vạn An, Đông Nam, Tây Bắc và phố Khách (phố người Hoa) đều đến chùa lễ phật.

Làng Xuân Phả trực tiếp quản lý ngôi chùa này đã hơn 1000 năm nay. Tuy có nhiều sư sãi, tăng ni đến tu tại chùa nhưng không có vị sư nào ở cho đến hết đời; mãi đến sau cách mạng tháng Tám năm 1945, khoảng năm 1954 mới có vị Hòa thượng Thích Thanh Cát, quê ở làng Cổ Pháp  - Bắc Ninh từ trần ở chùa. Trên tấm bia đá bằng chữ Hán dựng ở chùa có ghi chép: chùa Tạu đã qua 7 lần trùng tu, tôn tạo. Đó là các lần, năm Bính Tuất Quang Hưng (1586) do một vị tướng thời Lê Trung Hưng là Hoài Viễn Hầu tự là Thiệu Chính hưng công tu sửa; lần thứ hai cũng do Đô ngự sử Thiệu Chính tu sửa; lần thứ 3 do nhân dân địa phương và phật tử thập phương tu sửa; lần thứ tư năm 1925 xây thêm điện thờ Thánh Mẫu; năm 1937 sửa điện thờ Thánh Mẫu; năm 1940 xây nhà thờ Phật Tổ; năm 1943 đại tu lại toàn bộ chùa, thiết lập thờ tự mới hoàn toàn như ngày nay.

Nhìn trên tổng thể chùa Tạu mang đậm phong cách kiến trúc của thời Nguyễn muộn. Kết cấu kiến trúc chùa theo kiểu chui vồ, hay còn gọi là chữ Đinh (T) gồm nhà bái đường năm gian có chiều dài là 15m, rộng 6m, diện tích 90m2; kết cấu vì kèo theo kiểu giá chiêng. Phần hậu cung 3 gian có chiều dài 8,2m, rộng 6m, diện tích 49,2m2. Vật liệu cấu trúc chùa là gỗ, gạch, ngói mũi. Chiều dài tiền sảnh có 4 hàng cột Lim, mỗi hàng có 3 cột, hậu cung có 4 cột, chân cột làm bằng đá, tổng số có 16 cột chống đỡ toàn bộ chùa. Tiền sảnh có 6 vì kèo, gồm hai loại, sát 2 đầu đốc là loại kèo đơn, chống nóc; 4 loại vì kèo còn lại theo lối giá chiêng, riêng vì kèo tiếp giáp tiền sảnh và hậu cung được đúc 3 vòm liên tiếp nhau; kế đến là phần gỗ đặc đỡ kèo nóc. Các hoành tải, đòn tay bằng gỗ lim xẻ hình vuông cạnh; 3 chuồng cửa bức bàn gồm 12 cánh đóng mở 3 gian; 2 gian đầu hồi xây tường hoa. Hàng hiên rộng 2m với bậc tam cấp lát đá tảng và gạch. Trên  đại bờ (bờ nóc) có hai con kìm được đắp bằng vôi vữa châu đầu vào nhau. Phía trước sân chùa có hai cột nanh hình khối vuông cao hơn nóc chùa, cạnh thẳng với hai đầu hồi, kế tiếp là tấm bìa đá khắc việc trùng tu chùa và danh sách họ tên người cung tiến tu sửa chùa.

Cũng như các ngôi chùa khác trong vùng, chủ yếu thờ Phật, gồm hệ thống tượng phật Thích Ca Mâu Ni, A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Di Lặc, Ngọc Hoàng. Hai bên tả hữu ngoài tiền sảnh tiếp giáp với hậu cung có tượng Long thần; tượng 4 vị Bồ Tát; 8 vị Kim Cương; hai hộ pháp canh giữ chùa và tượng Sư Tổ đắc đạo tại chùa. Chùa hiện còn giữ được một chiếc chuông đồng nặng 200kg, quai chuông hình con rồng; chuông được đúc vào năm 1943 trong lần đại tu toàn bộ chùa.

Trong chùa có các bức Đại Tự và câu đối. Bức Đại Tự ở chính điện ghi “cảm ứng đạo gia”. Câu đối ở chính điện ghi:

Bảo Phạm Trung Hưng Quang Phật điện Kim gia phổ thí chứng hằng tâm”.

Ngoài ra còn hai câu đối ở hai đầu hồi; câu đối ở đầu hồi phía đông ghi:

Tam hữu tứ ân phổ nguyện hương hồn đăng giấc ngàn Cửa huyền thất tổ hữu kỳ tĩnh phách xuất u khang

Câu đối ở đầu hồi phía Tây, ghi:

Tĩnh vực tiệp thần thiên cổ tinh anh hoàn túc nghiệp Lạc Na yên dưỡng bách niên hương hỏa cơ lai sinh”.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, do tình hình đất nước có chiến tranh việc trông nom hương khói tại chùa gần như vắng hẳn. Sau năm 1975, hòa bình lập lại,  huyện Thọ Xuân cho phép chùa Tạu khôi phục lại lễ nghi. Ủy ban nhân dân xã Xuân Trường thành lập Ban Quản lý trông coi và chống xuống cấp; từ tháng 8 năm 1984 vận động bà con thập phương cùng với địa phương đóng góp sửa chữa sơ bộ để nơi thờ Phật tạm thời ổn định. Đến năm 2000, ngôi chùa được nhà nước cấp kinh phí trùng tu chùa Tạu như ngày nay. Năm 2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 47 về việc công nhận điểm du lịch di tích lịch sử văn hóa chùa Tạu, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Tự hào là nơi có chùa Tạu và nghè Xuân Phả là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia; có Trò diễn Xuân Phả là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, xã Xuân Trường tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản quý báu mà ông cha để lại, xứng đáng với truyền thống của vùng quê Xuân Phả - Xuân Trường ngàn năm văn hiến.