Chùa Ba Vàng
Chùa Ba Vàng , Phường Quang Trung, Thành phố Uông Bí, Quảng Ninh
Chùa Ba Vàng còn có tên chữ là Bảo Quang Tự. Theo nội dung khắc trên cây hương đá phía trước chùa, chùa Ba Vàng được Sư Tổ Đại Thiền sư Tuệ Bích - hậu duệ của Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử cho khởi dựng bằng gỗ vào năm 1706. Chùa đã được trùng tu nhiều lần và kiến trúc hiện nay là kết quả của lần trùng tu lớn vào năm 2011.
Chùa tọa lạc trên diện tích khoảng 22ha, có thế “tọa sơn, đạp thủy” với lưng tựa núi, mặt hướng ra sông Bạch Đằng. Trải dài hai bên sườn chùa là rừng thông xanh ngát. Chùa có kiến trúc mang đậm văn hóa Việt, bao gồm 3 tòa bái đường, chính điện, hậu cung cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác, trong đó nổi bật là tam quan nội và tòa Đại Hùng Bảo Điện (chính điện).
Tam quan nội được thiết kế theo kiểu đình chùa Bắc Bộ, gồm 3 cửa hình vòm (cửa ở giữa lớn nhất). Phía trên 3 cửa là 3 lầu chuông lợp ngói, các góc mái gắn tượng linh vật Long, Lân, Quy, Phụng. Mặt trước tam quan nội có khắc nổi câu đối bằng chữ Hán. Tam quan nội nhìn ra hồ nước hình bán nguyệt có bố trí ghế đá, tiểu cảnh, cây xanh. Giữa hồ là ngôi chùa được thiết kế theo kiến trúc chùa Một Cột (Hà Nội) tọa trên lá sen cách điệu.
Qua Tam quan nội là đến khoảng sân lớn dẫn vào Đại Hùng Bảo Điện có diện tích khoảng 4.000m². Đây là ngôi chính điện đã được Tổ chức kỷ lục Đông Dương công nhận là “Ngôi chính điện trên núi lớn nhất Đông Dương” năm 2014. Nét nổi bật trong kiến trúc tòa Đại Hùng Bảo Điện là toàn bộ cột kèo, vì mái, xà… được làm bằng bê tông cốt thép nhưng sơn màu vân gỗ nên công trình vẫn mang đậm nét kiến trúc thuần Việt. Trên tường Đại Hùng Bảo Điện chạm khắc nhiều hoa văn tinh tế, đặc biệt là các bức tranh tường khổ lớn từ 6-30m2 miêu tả cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi sinh ra cho đến lúc đi tu, đắc đạo và truyền giáo.
Xung quanh Đại Hùng Bảo Điện bố trí liên hoàn các công trình như nhà Tổ, khu giảng đạo, trai phòng, thư viện, lầu chuông, lầu trống, hành lang tượng La Hán, nhà bảo tàng, không gian tiểu cảnh non bộ... tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa, thuận lợi cho việc chiêm bái, tham quan của các tăng ni, Phật tử.
Ngoài kiến trúc đặc sắc, chùa Ba Vàng còn có hệ thống tượng pháp bằng gỗ như tượng Tam thế, Quan Âm, ông Thiện, ông Ác… Bên cạnh đó, nhiều cổ vật có giá trị như bia đá, rùa đá..., đặc biệt là chiếc trống độc mộc bằng gỗ đỏ nguyên khối đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận lớn nhất nước năm 2014 cũng được bảo tồn, lưu giữ tại chùa.
Mỗi khi đêm về, toàn bộ hệ thống đèn led gắn trên viền mái chùa được bật sáng, tạo không gian lộng lẫy, rực rỡ.
Chùa Ba Vàng là địa điểm duy nhất ở tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ hội Hoa Cúc vào dịp Tết Trùng Dương - ngày Tết của hoa cúc (9/9 âm lịch) nhằm tôn vinh hình ảnh hoa cúc - biểu tượng văn hóa Phật giáo, gắn liền với dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Lễ hội gồm nhiều hoạt động đặc sắc như lễ hành thiền lấy nước từ giếng nước cổ trong chùa về chính điện; lễ dâng lục cúng; lễ cầu quốc thái, dân an; thi cắm hoa cúc trưng bày tại vườn La Hán; thưởng thức trà hoa cúc; ngâm thơ thiền; trình diễn thư pháp; nghe giảng pháp; chiếu phim về Đức Phật; xem biểu diễn tuồng, chèo...