Dẻo thơm đặc sản bánh cáy làng Nguyễn
Chỉ từ những nguyên liệu dân dã, giản dị như gạo nếp, vừng, lạc, gấc, mỡ lợn, mứt bí, dừa, vỏ quýt… người dân làng Nguyễn, Thái Bình đã tạo ra bánh cáy - thức quà quê ngọt ngào, vừa béo, vừa bùi. Tên gọi của bánh bắt nguồn từ màu vàng bắt mắt, giống như trứng con cáy. Không phải ai cũng biết rằng món bánh dân dã này lại đòi hỏi một quy trình chế biến tỉ mỉ, công phu như thế nào. Riêng quá trình sơ chế đã mất tới 2-3 tuần. Trước tiên, mỡ lợn được thái hạt lựu, rồi ướp gia vị, trộn đường cho ngấm. Khi gần đến thời điểm làm bánh, nguyên liệu này được xào cho tới khi đạt độ trong và giòn. Các phụ liệu như lạc, vừng được rang chín, xát bỏ vỏ, giã nhẹ. Cà rốt, gừng, vỏ quýt tươi đem xào đường rồi để riêng. Bánh cáy làng Nguyễn xưa kia từng là sản vật tiến vua. Ảnh: vnexpress.net Bánh cáy ngon phải làm từ gạo nếp cái hoa vàng, đem ngâm, một phần để làm bỏng, một phần trộn gấc đỏ đồ xôi, một phần nấu với nước quả dành dành để có màu vàng tươi. Sau khi đã sơ chế hoàn chỉnh, người ta đem các nguyên liệu trên trộn đều với mật mía và đổ vào chảo, đảo đều tay cho tới khi dậy mùi thì múc vào khuôn gỗ đã lót sẵn vừng bên trong để ép bánh, tạo hình. Bánh khi cứng lại được lấy ra khỏi khuôn, cắt nhỏ và rắc thêm sợi dừa và vừng bóng bẩy. Khi thưởng thức món bánh này, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt của mật mía, vị bùi của xôi, vị béo của thịt mỡ, hoà quyện với cái giòn của bỏng ngô, lại vừa dẻo vừa thơm. Còn gì thú vị và ấm lòng hơn là những ngày tiết trời se lạnh, được nhâm nhi ly trà nóng và thưởng thức món bánh đậm hương vị quê lúa Thái Bình. Lan Hương