Đến Bạch Đằng Giang để tìm về lịch sử

Đến Bạch Đằng Giang để tìm về lịch sử

Cổng khu di tích Bạch Đằng Giang - Tràng Kênh (TP. Hải Phòng) Nơi thờ các anh hùng dân tộc Vùng đất Tràng Kênh - Bạch Đằng (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) vốn là địa danh nổi tiếng với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược trong lịch sử nước ta. Những trận chiến đó gắn liền với tên tuổi các bậc hào kiệt: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền. Để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc lập nên những chiến thắng vang dội trên dòng sông lịch sử, người dân đã xây dựng khu di tích Bạch Đằng Giang - một quần thể kiến trúc quy mô bề thế, khang trang trên khu đất đắc địa của dãy núi Tràng Kênh. Ngôi đền đầu tiên du khách đến tham quan và dâng hương là đền thờ đức Vua Lê Đại Hành - người tái tạo chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 2 năm 981. Đền được xây dựng để tưởng nhớ công đức của Vua cùng các tướng sĩ đã có công “kháng Tống, bình Chiêm”, xây dựng Đại Cồ Việt đứng bên Đại hán. Cổng đền là tứ trụ được thiết kế theo kiểu cổng cung đình bằng đá xanh nguyên khối với các đường nét chạm khắc tinh xảo. Bên cổng đền là hai con voi nằm hai bên như muốn canh giữ cho đức vua được yên nghỉ đời đời kiếp kiếp Cách đền Vua Lê Đại Hành 500m là đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo – người đã lãnh đạo quân và dân anh dũng chiến đấu, đánh tan quân xâm lược Mông – Nguyên trên sông Bạch Đằng. Đại thắng Bạch Đằng năm 1288 đã đập tan dã tâm xâm lược nước ta cùng giấc mộng làm bá chủ thế giới của đế chế Mông - Nguyên, mở ra nền văn hóa Đông Á rực rỡ. Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo hướng ra dòng sông Bạch Đằng lịch sử với tam quan được đục từ đá liền khối với những đường nét tinh xảo mềm mại, thiết kế theo kiểu kiến trúc 3 tầng mái chồng mái Đi theo con đường chính đạo tiếp tục dẫn du khách đến đền thờ Đức Vương Ngô Quyền nằm giữa rừng cây trong thung lũng Tràng Kênh, sát cửa sông Bạch Đằng. Ngôi đền được xây dựng để tưởng nhớ công lao to lớn của Ngài trong Đại thắng Bạch Đằng năm 938 đánh tan quân Nam Hán, chấm dứt nền thống trị hơn nghìn năm của các đế chế phong kiến phương Bắc, mở ra một kỷ nguyên độc lập thực sự và lâu dài của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh đầu tiên khi đến với ngôi đền chính là cổng ngũ môn được điêu khắc hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối với các hoa văn tinh tế; trên các trụ đá là các câu đối nói về công đức của Đức Vương Ngô Quyền Hướng ra sông Bạch Đằng là 3 pho tượng của các bậc danh vương, danh tướng đứng uy nghi canh giữ nơi cửa sông lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những địa điểm đặc biệt của khu di tích. Du khách tới đây hành hương vừa để tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng, vừa để cầu sức khỏe, an gia và bình yên Xa xa là chùa Tràng Kênh Trúc Lâm Tự, được phục dựng trên đỉnh dãy núi Tràng Kênh, soi bóng xuống dòng Bạch Đằng Giang Biểu tượng 18 vị La Hán dưới chân núi Tràng Kênh Hàng loạt hiện vật, mô hình biểu tượng cho văn hóa - lịch sử Khu di tích Bạch Đằng Giang không chỉ có đền, chùa, cảnh đẹp mà còn phát triển các công trình phục vụ hoạt động tham quan, trải nghiệm và học tập tích hợp cho du khách. Mô phỏng khu rừng gỗ lim và vườn tượng chế tác cọc Bạch Đằng Khu vườn tượng mô tả việc làm cọc chống giặc ngoại xâm của ông cha ta Những bức tượng chân thật như làm "sống lại" chiến thắng Bạch Đằng Mỗi năm, khu di tích đón hàng chục đoàn học sinh nói riêng và hàng nghìn du khách nói chung đến tham quan, tìm hiểu lịch sử dân tộc. Đến đây là phương pháp lý tưởng để tìm hiểu lịch sử bởi có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tế. Đặc biệt, công trình bãi cọc trên sông Bạch Đằng ngay bên cạnh tượng đài 3 vị anh hùng dân tộc đã mang đến hình ảnh chân thực nhất cho du khách hình dung rõ hơn về những trận đánh quân xâm lược. Mô phỏng bãi cọc Bạch Đằng Giang Mô hình cọc Bạch Đằng làm bằng gỗ lim được trưng bày trong nhà bảo tàng Khu du tích Bạch Đằng Giang là một trong số ít địa điểm du lịch thực hiện thành công “3 không” bao gồm: không thương mại, không thu phí, không rác thải. Nhờ nguyên tắc “3 không” này, khu di tích đã mang đến một không gian văn hóa – lịch sử yên bình đúng nghĩa. Quảng trường chiến thắng Bạch Đằng Giang Anh Xuân Minh – một du khách đến đây chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với khu di tích này vì đến điểm thờ nào cũng có nước uống phục vụ, ghế đá nghỉ chân. Ở đây không thu một loại phí nào kể cả phí gửi xe, cũng không có những vấn đề thường thấy như bán hàng chèo kéo khách, rác thải xả bừa bãi. Đến đây tôi không chỉ cảm thấy tâm thanh tịnh, lòng nhẹ nhàng mà còn hiểu thêm nhiều câu chuyện và bài học lịch sử được hiện hữu trên các công trình.” Du khách ghi lại những bức ảnh trước nhà bảo tàng của khu di tích Những công trình văn hóa liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng Giang như phần nào phản ánh tầm vóc của 3 trận thủy chiến trong lịch sử. Nơi đây không chỉ là điểm đến tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương mà còn là nơi tham quan vãn cảnh tìm cảm giác an yên, tạm xa rời cuộc sống tất bật ngày thường. Diệu Linh

Có thể bạn quan tâm:

  • Chiêm ngưỡng tuyến đường bao biển nghìn tỷ bên vịnh Hạ Long
  • Quảng Trị tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông và khai trương mùa du lịch biển đảo 2021
  • “Giếng nước siêu to khổng lồ” trăm tuổi ở thành phố cổ xưa nhất Miền Tây
  • Bình Định quảng bá du lịch miền đất võ
  • Ba khách sạn đẹp như studio, được check-in nhiều ở Sapa
  • Làng hoa Phù Vân rộn ràng vào vụ Tết
  • Đặc sắc cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020
  • Khai mạc Liên hoan Du lịch Làng nghề - Ẩm thực Hà Nam
  • Nghề đem lại hương thơm đặc trưng trong dịp Tết cổ truyền
  • Những "Tuyệt tình cốc" hút hồn giới trẻ Việt