Đảo tiền tiêu Lý Sơn có gì tham quan mà phải thu phí?
Không gian phía trước Chùa Hang. Kiến tạo từ núi lửa đã tạo ra cảnh quang hùng vỹ. Bên trong dãy vách đá này là chùa Hang, khách tham quan đến đảo Lý Sơn, thường đến đây bái vọng ngôi chùa trong hang động này. Ảnh: Tân Phát Khách ra Lý Sơn sẽ lạ mắt với những vách đá sừng sững như thế này phân bố rải rác trên đảo. Ngàn năm, vách đá vẫn trơ cùng tuế nguyệt, tạo ra nét đẹp cho riêng Lý Sơn. Ảnh: Tân Phát Đây là cổng Tò Vò, tuy không hoành tráng như cổng thành cổ, nhưng thiên nhiên đã tạo nét duyên dáng riêng cho Lý Sơn để du khách ra đây chụp ảnh. Đặc biệt, vào bình minh và hoàng hôn, cổng Tò Vò trở nên lung linh, huyền diệu, chẳng ai muốn rời đi. Ảnh: Tân Phát Đây là Hòn Đụn, 1 trong 5 hòn của Lý Sơn. Theo tiến sĩ Phạm Thị Ninh (Hội khảo cổ học Việt Nam), địa chất, địa hình, địa mạo đảo Lý Sơn hình thành sau các đợt phun nổ, phun trào bazan của núi lửa cách đây khoảng 10.000 năm. Đây là những kỳ quan thiên nhiên đặc sắc, thuộc dạng địa hình hiếm trên thế giới và duy nhất ở Việt Nam. Ảnh: Tân Phát Đua thuyển tứ linh. Tết Nguyên đán năm nào cũng vậy, người Lý Sơn cũng tổ chức đua thuyền tứ linh, hầu như tất cả dân đảo đều về đây xem đua thuyền. Họ tin rằng, nếu ghe của vạn chài mình thắng thì năm đó sẽ làm ăn được. Người Lý Sơn về quê ăn tết, thường thì sau khi xem đua thuyền mới rời quê hương xứ đảo đi mưu sinh. Ảnh: Phạm Anh Đình làng An Vĩnh. Nơi đây được xem là minh đường của dân đảo Lý Sơn. 600 năm trước, dân binh xuất phát ra đảo Hoàng Sa đều làm lễ "khao lề thế lính" ở đây. Đình làng An Vĩnh được là ngôi đình đầu tiên của Lý Sơn, được xây dựng từ năm 1773 bằng tranh tre nứa lá, từ đó đến nay đã qua nhiều đợt phục dựng... Ảnh: Phạm Anh Bộ xương cá voi lớn nhất nước. Bộ xương này được bảo quản tại lăng Đồng Đình đại vương (lăng Tân) trên đảo Lý Sơn. Khi đưa cá voi này lụy vào bờ, dân Lý Sơn phải đào ngôi mộ dài gần 40 mét, rộng 10 mét. Trải qua mấy trăm năm, nhưng xương cốt vẫn vàng ươm, rắn chắc và được bảo quản rất kỹ. Ảnh: Phạm Anh Cột cờ Lý Sơn được xây dựng năm 2013, theo thiết kế cột mốc chủ quyền biển đảo Việt Nam, cao 25 m, tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng, do Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên thuộc Hội Sinh viên Việt Nam huy động đóng góp xây dựng... Ảnh: Tân Phát Lý Sơn trước đây được gọi là cù lao Ré mà theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”. Là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý. Cư dân Việt đến khai khẩn làng mạc trên đảo vào khoảng cuối thế kỷ 16 - đầu thế kỷ 17. Trong buổi đầu ấy, người Việt trong công cuộc khai phá lập làng đã gặp không ít khó khăn về thời tiết, khí hậu… Lịch sử đảo Lý Sơn còn gắn liền với các khối cộng đồng cư dân khác đã sinh sống trên đảo từ hàng nghìn năm trước. Ba lớp cư dân Sa Huỳnh - Chăm pa - Việt đã gắn bó chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của đảo Lý Sơn. Họ đã bảo vệ chủ quyền hòn đảo và để lại nhiều di sản văn hóa vô cùng giá trị đến nay vẫn được bảo tồn và phát huy. Đảo Lý Sơn có vị trí chiến lược quan trọng trên vùng biển Việt Nam. Ngày 1.1.1993 huyện đảo Lý Sơn chính thức được thành lập theo Quyết định số 337/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Ngày 9.7, tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Quảng Ngãi, thừa ủy quyền của UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND H.Lý Sơn đã trình bày về việc đề nghị ban hành nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan đảo tiền tiêu Lý Sơn. Theo đó, đề nghị thu phí tham quan các danh thắng, di tích, bảo tàng trên đảo Lý Sơn: tại đảo Lớn (2 xã: xã An Hải và An Vĩnh) là 100.000 đồng/người/lượt; phí tham quan tại đảo Bé (xã An Bình) là 50.000 đồng/người/lượt, áp dụng cho cả người Việt Nam và nước ngoài. Riêng trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng và người dân đảo Lý Sơn được miễn thu phí; với người khuyết tật nặng, sinh viên, học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thì giảm 50% phí. Đến sáng 10.7, tiếp theo chương trình nghị sự của kỳ họp, dù tranh luận nhiều liên quan đến việc thu phí tham quan trên đảo tiền tiêu Lý Sơn, nhưng cuối cùng các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua việc thu phí, có giảm mức thu so với ban đầu đề xuất. Cụ thể, với đảo Lớn, thu 70.000 đồng/người/lượt; đảo Bé thu 30.000 đồng/người/lượt. Đại biểu Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng, trước nhiều khó khăn nguồn ngân sách không đủ đầu tư hạ tầng, vì vậy cần phải có sự đóng góp của khách tham quan khi đến với Lý Sơn. Hiện, thời gian và phương pháp thu cụ thể (thu ngay khi đặt chân lên đảo Lý Sơn, hay thu từng điểm tham quan) chưa được ấn định. Theo thanhnien.vn