Dạo chơi ở Hồng Dân
Miếu Ông Bổn giữa lòng nội ô Ngan Dừa Từ TP Cần Thơ, du khách đến Hồng Dân phải mất chừng 2 giờ đi xe máy, theo hướng đi thị xã Long Mỹ, rồi đến Đền Thờ Bác Hồ, qua phà Ngan Dừa là đến địa phận huyện Hồng Dân. Nếu xuất phát từ TP Bạc Liêu, du khách mất khoảng 1 giờ rưỡi đi xe máy. Quãng đường không xa và Hồng Dân sẽ mang đến cho du khách cảm giác không tiếc công cho một chuyến đi. Chợ trung tâm của huyện Hồng Dân là chợ Ngan Dừa, thuộc địa bàn thị trấn Ngan Dừa. Ngôi chợ này rất sầm uất, bán đồ đặc sản đồng quê khá nhiều, dưới sông Ngan Dừa cặp chợ còn có chợ nổi rất ấn tượng. Đây là địa phương có sự cộng cư thân thiết giữa 3 dân tộc: Kinh - Hoa - Khmer nên khi đi chợ, du khách sẽ ấn tượng với những lời mời rất dễ thương: “Mua cá đi hia ơi!”, “Chế ơi mua tiếp mớ rau đi chế”… Ẩm thực ở Hồng Dân chính là điều thu hút du khách. Chợ Ngan Dừa ngày nào cũng có bán năn bộp lột sẵn. Đây là loài cỏ dại mọc trong bưng trấp nhưng dạo gần đây bà con trồng để nhổ bán. Năn bộp ăn như rau sống thì rất giòn, ngọt và càng tuyệt vời hơn khi dùng làm rau nhúng lẩu hoặc nấu canh chua. Hồng Dân còn nổi tiếng với món mắm cá trắm cỏ với thương hiệu “mắm cá trắm cỏ Hồng Dân”. Những con cá trắm được nuôi trong vuông tôm, to lớn, mập mạp được bà con làm mắm. Mắm cá trắm nhìn khô ráo, cho ăn thính thơm phức nên rất hấp dẫn. Con mắm này có thể dùng nguyên liệu nấu lẩu, kho cá nhưng đơn giản lại “hiệu quả” nhất là đem chưng với thịt ba rọi hoặc chiên rồi ăn kèm với rau thơm, chuối chát. Món này mà ăn với chén cơm nấu bằng gạo một bụi đỏ Hồng Dân thì phải nói… sạch nồi mới thôi. Bánh tằm Ngan Dừa Nhắc đến Hồng Dân, cũng không thể quên kể về bánh tằm Ngan Dừa trứ danh trăm năm qua. Bà con làm bánh này ở Ngan Dừa có đến chục hộ, nhưng ngon nhất là xe bánh tằm của chị Thu Hồng ở khu trung tâm thương mại huyện. Con bánh tằm to bằng đầu đũa, đều tăm tắp dù được làm thủ công toàn bộ. Điểm đặc biệt là hòa nước cốt dừa vào bột nên hương vị rất độc đáo, béo và thơm ngon trong từng con bánh. Bánh tằm ngon kết hợp mùi thơm phức của bì, xíu mại, vị chua, cay của nước chấm và mùi thơm của các loại rau xanh, dưa hòa lẫn trong cái ngọt nhẹ, giòn thanh của giá sống. Nhìn cách chị Hồng bắt bột rồi se một lúc hai dây bột, thoăn thoắt đã có cả xề bánh tằm thơm ngon, ai cũng trầm trồ. Đi vòng vòng chợ Ngan Dừa, du khách sẽ thấy ngôi cổ miếu tuyệt đẹp, bà con quen gọi là miếu Ông Bổn. Thực ra đây là miếu Quan Đế được xây dựng vào năm 1823, thờ Quan Công. Với niên đại hàng trăm năm, miếu Ông Bổn hiện là ngôi miếu có tuổi đời cao nhất trên địa bàn huyện Hồng Dân, là điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn khi đến địa phương có nhiều làng nghề truyền thống này. Hằng năm, tại miếu Ông Bổn có tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có hai lễ hội lớn diễn ra vào các ngày Rằm tháng Giêng và 19 tháng 7 âm lịch, với lễ Thí Vàng thu hút rất đông người tham gia. Làng nghề dệt chiếu Ngan Dừa Một trải nghiệm khác thú vị khác là tham quan làng nghề. Từ chợ Ngan Dừa đi dọc về hướng bến phà Ngan Dừa chưa đầy 5 cây số nhưng lại là “thủ phủ” của 3 làng nghề có tiếng ở miền Tây, đó là: chiếu Ngan Dừa, dao Ngan Dừa và bánh tráng Ngan Dừa. Nghề rèn và nghề dệt chiếu có ở Ngan Dừa từ hàng trăm năm qua. Bà Ba Lăng, năm nay đã tròm trèm trăm tuổi, người dệt chiếu kỳ cựu ở xứ này, cho biết từ hồi nhỏ bà đã thấy người dân xứ này dệt chiếu. Chiếu Ngan Dừa đẹp và bền, nhất là điệu nghệ trong loại chiếu lẫy, chiếu hoa râm, gia quy rực rỡ sắc màu. Nghề rèn ở Ngan Dừa cũng nổi danh không kém. Tiếng thình thịch “trên đe dưới búa” với những lực điền rắn rỏi trong từng nhát rèn khiến du khách say sưa bởi sự điệu nghệ, tài hoa. Dao, phảng, búa… ở Ngan Dừa rất bền, sài cùn lưỡi rồi mà vẫn còn bén. Huyện Hồng Dân đang rất quan tâm xây dựng, phát triển và quảng bá du lịch thông qua việc phát huy tiềm năng văn hóa lịch sử và sinh thái bản địa. Một số tour, tuyến đã đón khách như tham quan làng hoa và cây ăn trái, làng nghề ở xã Ninh Hòa và thị trấn Ngan Dừa; tuyến du lịch sinh thái từ Ngan Dừa - Vĩnh Lộc - Vĩnh Lộc A - Vàm Chắc Băng... Có nhiều điểm dừng chân lý tưởng với những cánh đồng tôm, lúa mênh mông. Đặc biệt, bãi vọp ở vùng Vĩnh Lộc A trên cung đường này được xem là lớn nhất nhì miền Tây. Vọp sông rất dễ bắt, có thể chế biến nhiều món ngon, thịt ăn rất ngọt. Ở một cung đường khác, từ Ngan Dừa xe vi vu về vùng Ninh Thạnh Lợi - thủ phủ của “Đồng Chó Ngáp” chừng nửa tiếng đồng hồ. Đến đây, du khách sẽ được thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của vùng đồng bưng, rẫy bái; tham quan Khu Di tích Căn cứ Cái Chanh. Đặc biệt, chùa Kosthum ở xã Ninh Thạnh Lợi là một trong những ngôi chùa Khmer đẹp bậc nhất ở Bạc Liêu, thu hút rất đông khách tham quan, vãn cảnh. Đây là ngôi chùa cổ kính, uy nghi, xây dựng từ năm 1833, được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 2008. Hồng Dân còn rất nhiều điều thú vị đang chờ du khách khám phá. Với tín đồ “phượt”, thích du lịch khám phá, trải nghiệm thì hẳn đây sẽ là gợi ý đáng quan tâm để tìm nét yên ả, thanh bình và sự thư thái cho một chuyến dạo chơi. Theo baocantho.com.vn