Chùa Chén Kiểu
Trong hành trình thăm thú những ngôi chùa ở Sóc Trăng, chùa Chén Kiểu là một trong những ngôi chùa sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách. Nếu chùa Kh’Leang mang dáng vẻ uy nghiêm, trang trọng thì chùa Chén Kiểu lại toát lên vẻ tôn nghiêm nhưng gần gũi bởi các họa tiết trang trí độc đáo từ những vật dụng vô cùng thân thuộc trong đời sống. Đó là những món đồ sành sứ dùng trong gia đình như cốc, bát, chén, đĩa…Chính vì thế mà ngôi chùa này có tên là chùa Chén Kiểu. Chùa Chén Kiểu còn được gọi là chùa Salon (Sà-lôn), là cách gọi chệch đi theo tên gốc tiếng Khmer. Ban đầu, chùa được lợp bằng lá, năm 1969 mới được xây mới lại. Tương truyền, do thiếu kinh phí nên nhà sư trong chùa nảy ra ý tưởng xin chén đĩa vỡ và vận động người dân trong phum, sóc quyên góp đồ sành sứ để xây chùa. Kết quả đã thu được mấy nghìn tấn chén đĩa kiểu. Các nghệ nhân Khmer đã khéo léo tận dụng số chén, đĩa này để trang trí các bức tường, cột tháp, tạo nên một công trình kiến trúc hài hòa, ấn tượng. Những đồ còn mới được ốp trực tiếp lên tường, hay làm thành những con tiện hàng rào bao quanh các dãy hành lang hay tay vịn cầu thang, còn những đồ đã vỡ hay sứt mẻ được sắp xếp và ghép thành các hoa văn trang trí lạ mắt. Ảnh: Foody Tài năng của những nghệ nhân Khmer còn được thể hiện rõ nét qua cách trang trí họa tiết hoa văn tinh tế, tỉ mỉ trên các cột tháp, mái chùa. Các hình tượng phổ biến trong những công trình kiến trúc và văn hóa của người Khmer như rắn thần Nagar hay tiên nữ Apsara được sử dụng để trang trí cho ngôi chùa. Cũng như nhiều ngôi chùa khác ở Sóc Trăng đa phần theo Phật giáo Ấn Độ, chùa Chén Kiểu chỉ thờ Phật Thích Ca. Phía sau chùa có Khu vườn Phật Thích Ca với nhiều tượng phật, tái hiện lịch sử và cuộc sống tu tập của Phật Thích Ca đến khi nhập Niết Bàn. Khu tháp trong chùa Chén Kiểu. Ảnh: Mytour Chùa còn là nơi lưu giữ một số kỷ vật quý giá của ông Trần Trinh Huy, người nổi tiếng với danh xưng “công tử Bạc Liêu”. Đó là bộ trường kỷ cẩn xà cừ với hai chiếc giường cổ quý hiếm mùa đông và mùa hè, được trang trí bằng ốc xà cừ, trị giá hàng tỷ đồng. Với những đặc điểm kiến trúc ấn tượng, chùa Chén Kiểu không chỉ là địa điểm tâm linh để mọi người đến cúng viếng mà còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách thập phương. Cách đi: Chùa Chén Kiểu thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên; chùa nằm trên Quốc lộ 1A, cách thành phố Sóc Trăng 12km, hướng từ thành phố Sóc Trăng đi Bạc Liêu.