Chân thực “Linh hồn Hà Nội” trong ảnh Lê Bích
Triển lãm "Phố cổ Hà Nội" trưng bày 30 bức ảnh của nhiếp ảnh gia Lê Bích Triển lãm ảnh với chủ đề “Phố cổ Hà Nội” trưng bày 30 bức ảnh do nhiếp ảnh gia Lê Bích chụp trên hành trình nhiều năm rong ruổi kiếm tìm vẻ đẹp phố cổ Hà Nội. Chiêm ngưỡng những bức ảnh tâm đắc của anh, người ta dễ dàng nhận ra 2 mảng rõ rệt: những giá trị văn hóa vật thể (cầu Long Biên, phố bích họa Phùng Hưng, Ô Quan Chưởng…) và những giá trị văn hóa phi vật thể (Điệu múa bồng làng Triều Khúc, Lễ hội đình Kim Ngân, tục xin chữ đầu năm…) Một góc triển lãm Nhưng gây ấn tượng hơn cả, có lẽ là những nghệ nhân Hà Nội, những người vẫn ngày đêm miệt mài, cần mẫn lưu giữ, tiếp nối nghề truyền thống đang dần mai một theo thời gian… những người mà theo anh, là “linh hồn của phố cổ Hà Nội”. “Tôi đặc biệt tâm đắc với những nghệ nhân, có thể nói là những nghệ nhân cuối cùng của phố cổ Hà Nội: nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên; nghệ nhân vẽ mặt nạ Nguyễn Kim Kê; nghệ nhân vẽ truyền thần Nguyễn Bảo Nguyên… Họ là biểu tượng, là linh hồn của phố cổ Hà Nội. Chúng ta vẫn hàng ngày vẫn đi qua phố cổ Hà Nội, và nếu một ngày nào đó không còn được thấy những hình ảnh đó nữa, tôi sẽ vô cùng nuối tiếc”, nhiếp ảnh gia Lê Bích chia sẻ. Ông Nguyễn Bảo Nguyên, một trong những nghệ nhân vẽ truyền thần hiếm hoi còn lại của Hà Nội. Cho đến nay, khi bước sang tuổi 83, người nghệ sĩ già vẫn miệt mài gìn giữ nét đẹp của đất Hà thành xưa với những giá trị văn hóa "một thời vang bóng" Nghệ sỹ Tuồng Nguyễn Kim Kê, 72 tuổi, là thế hệ thứ ba của nghề hát Tuồng ở Hà Nội. Nhằm lưu giữ mẫu hóa trang khuôn mặt trong Tuồng cổ, ông đã vẽ những gương mặt tiêu biểu trong nghệ thuật Tuồng cổ lên mặt nạ giấy bồi để làm tư liệu cho thế hệ sau Ông Phạm Văn Quang, nghệ nhân đục khuôn bánh tại 59 phố Hàng Quạt, Hà Nội, không chỉ làm khuôn bánh nướng, bánh dẻo, ông còn làm khuôn xôi, oản và các loại dấu khắc gỗ. Trong xã hội hiện đại, khuôn bánh đã được thay thế bằng khuôn nhựa hay inox nhưng ông vẫn duy trì nghề truyền thốngCa nương Nguyễn Thị Huệ có con gái là Nguyễn Huệ Phương cùng theo nghiệp mẹ. Ở tuổi 16, Huệ Phương đã có 10 năm học và biểu diễn ca trù, trong đó có những bài đòi hỏi kỹ thuật cao như "Tỳ bà hành""Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đồ già..." Trân quý những nghệ nhân làm nghề truyền thống Hà Nội bao nhiêu, nhiếp ảnh gia Lê Bích lại càng đau đáu, trăn trở về những “nghề xưa mai một” do không tìm được thế hệ kế cận hoặc do những biến đổi của thời cuộc. Anh cho biết: “Vào năm 2015 khi tôi trình làng bộ ảnh “Những người gìn giữ nét tinh hoa Hà Nội”, tôi đã chụp được 26 nghệ nhân. Cho đến giờ, trong số 26 người hiếm hoi đó, một số người đã ra đi, một số người buộc phải rời căn nhà ở khu phố cổ để nhường chỗ cho những công trình mới. Rất đáng tiếc!”. Trên căn gác xép 8m2 ở số nhà 22 Cửa Đông, ông Lê Đình Nghiên, 68 tuổi, người được xem như nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh dân gian Hàng Trống vẫn miệt mài vẽ tranh. Tranh của ông vẫn vẽ theo lối cổ, in viền bằng khuôn gỗ trên giấy dó, sau đó vờn màu và vẽ chi tiết bằng bút lông. Cuối cùng là bồi tranh thủ côngAnh Lê Hoàn, con trai nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên đang hoàn thiện bức tranh khổ lớn "Tứ Phủ Công Đồng". Hiện Lê Hoàn đang tập trung toàn bộ sức lực cho việc học nghề và tiếp nối truyền thống gia đình. Anh cho biết, được theo nghiệp bố và gánh lấy trách nhiệm vực dậy dòng tranh này khiến một người trẻ tuổi như anh không cảm thấy tiếc nuối Điểm nhấn đặc biệt tại triển lãm “Phố cổ Hà Nội” có lẽ là 2 bức tranh cha con nghệ nhân tranh Hàng Trống đang say sưa vẽ, như một sự tiếp nối tự nhiên nghề truyền thống gia đình, tựa những mảy vàng lấp lánh giữa bộn bề cuộc sống. Đó có lẽ không chỉ là ao ước của nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên, mà còn là hy vọng của nhiếp ảnh gia Lê Bích, một người yêu Hà Nội, bởi với anh “những giá trị văn hóa phi vật thể dù chỉ còn sót lại hiếm hoi, nhưng nếu chúng ta biết giữ gìn thì đó sẽ là những báu vật vô giá của thời gian.” Một số hình ảnh ấn tượng tại triển lãm "Phố cổ Hà Nội": Phường rối cạn Tế Tiêu biểu diễn trên phố Đào Duy Từ Điệu múa bồng làng Triều Khúc được biểu diễn tại khu chợ đêm trước cửa chợ Đồng XuânĐoàn rước trên phố cổ trong khuôn khổ Lễ hội đình Kim Ngân Cầu Long Biên, biểu tượng của một Hà Nội đầy cổ kínhGian hàng đồ chơi Trung thu tại phố bích họa Phùng HưngBên cạnh những trò chơi dân gian, người dân đến với phố đi bộ Hà Nội còn bởi những hoạt động văn hóa nghệ thuật còn thường xuyên được tổ chức tại đâyCác em thiếu nhi chơi ô ăn quan trên phố bích họa Phùng Hưng vào dịp Trung thu 2019Không gian thờ tầng 2 của ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. Đây là một trong số ít những ngôi nhà được thành phố Hà Nội bảo tồn và gìn giữ làm điểm tham quan, triển lãm, cung cấp thông tin lịch sử về Hà NộiNhiếp ảnh gia Lê Bích giới thiệu với khách tham quan tại triển lãm 'Phố cổ Hà Nội" Triển lãm "Phố cổ Hà Nội" của nhiếp ảnh gia Lê Bích sẽ kéo dài từ nay đến hết ngày 20/10 tới tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ, Hà Nội. Anh Vũ