Bến sông Kon Ngo K’tu

Bến sông Kon Ngo K’tu

Sáng sớm tinh mơ, khi tiếng gà gáy vang lên, bà con người Ba Na ở thôn Kon Ngo K’tu lại tất bật chuẩn bị dụng cụ, thức ăn rồi cùng nhau di chuyển xuống dưới bến sông để lên thuyền vượt sông Đăk Bla chảy ngược, đến những cánh đồng mẫu lớn phía bên kia sông để canh tác, sản xuất. Đứng trên bờ đê, già làng A Héo chỉ tay về phía xa bên kia bờ sông nói: “Cơm, áo, gạo, tiền của mỗi người dân Kon Ngo K’tu đều ở từ những cánh đồng trồng lúa, trồng bắp, trồng khoai kia. Muốn đi nhanh qua đó, chỉ có một cách là đi thuyền qua sông”. Già làng A Héo kể, bến sông có từ lâu lắm. Dòng sông Đăk Bla uốn lượn, chia đôi hai bờ phù sa, tạo nên những vùng đất đai màu mỡ. Có được vùng đất trời phú, bà con khai hoang rồi trồng trọt, sau này, những mảnh ruộng này được để lại cho hết thế hệ này đến thế hệ khác, cho con cháu của họ. Ở dưới bến thuyền, tiếng nói cười của bà con vang lên như báo hiệu một ngày làm việc hiệu quả. Ai nấy đều sốt sắng lên thuyền để được qua bờ bên kia. Một chuyến thuyền thường chở được 5 đến 7 người, thuyền ở đây hầu hết là thuyền nhôm, mọi người đều chèo thuyền bằng tay, số ít thì được gắn động cơ. Xuyên qua những làn nước óng ánh bởi những tia nắng sớm mai, những chiếc thuyền do những người đàn ông khoẻ khoắn cầm lái từ từ nối đuôi nhau, xuôi theo dòng chảy rồi qua bờ bên kia. Khung cảnh con sông buổi sáng thật đẹp. Già làng A Héo kể, hồi xưa, lúc người còn thưa, rừng còn nhiều, bà con đều dùng thuyền gỗ chứ không dùng thuyền nhôm như bây giờ. Để làm được một chiếc thuyền gỗ, phải lên rừng sâu, chọn những cây sao đen hay cây tít thật dài và thẳng đem về đục đẽo ròng rã cả tháng trời. Qua thời gian, rừng không còn nhiều nên thuyền gỗ cũng mất dần đi. Thuyền cập bến, mọi người rảo bước men theo những con đường mòn nhỏ để lên bờ đến những ô ruộng, rẫy của mình. Đàn ông lái thuyền thì lay hoay neo thuyền vào cột rồi khóa xích lại cẩn thận, vì chiếc thuyền là cả gia tài của mỗi gia đình ở đây, với giá trị cả chục triệu đồng một chiếc và là phương tiện giúp họ qua sông mưu sinh. Già làng A Héo cho biết, lúc ông còn nhỏ, bến sông không nằm ở đây mà nằm ở vị trí khác, cách khoảng 100m. Do dòng chảy thay đổi nên bến sông từ đó cũng thay đổi theo. Khi chưa được nhà nước đầu tư xây dựng bờ đê như bây giờ, bến sông là một bãi cỏ dài và dốc. Không chỉ nhộn nhịp bởi các hoạt động thường nhật, bến sông còn là nơi mọi người lấy nước về sinh hoạt cho gia đình. “Hồi xưa, nước sông Đăk Bla trong và xanh lắm, bến sông là nơi lấy, cung cấp nước sinh hoạt cho cả thôn Kon Ngo K’tu”, già làng A Héo nói. Hôm nay, ông A Brông người thôn Kon Ngo K’tu không qua sông mà ở lại để sửa chữa chiếc thuyền của mình. Ông đang dán keo, gia cố lại những chỗ bị nứt của thuyền. Ông A Brông cho hay, lúc đi trên sông, thỉnh thoảng thuyền cũng va phải gốc cây, hay lúc cập bờ, đáy thuyền hay va vào cát đá dưới lòng sông. Qua thời gian, đáy thuyền sẽ bị bào mòn, móp méo, thậm chí bị thủng nên cần phải kiểm tra và gia cố liên tục. Theo kinh nghiệm của bà con thôn Kon Ngo K’tu, sông Đăk Bla vào thời điểm tháng 8 đến tháng 3 năm sau thường nước sẽ dâng cao, vì thuỷ điện Ya Ly tích nước. Dù nước sông dâng cao nhưng bà con vẫn đi thuyền qua lại, chăm chỉ làm ruộng, rẫy. Nhớ lại cơn bão số 9 năm 2009, anh A Srắt người thôn Kon Ngo K’tu kể: Năm đó, khung cảnh nhìn từ xã Vinh Quang sang xã Đoàn Kết là một biển nước mênh mông, bến thuyền và hoa màu của bà con bị ngập hoàn toàn. Những ngày mưa bão, đàn ông, thanh niên trong thôn thức trắng đêm để kéo thuyền vào bờ, nước dâng đến đâu thì kéo thuyền đến đó, cố gắng giữ gìn để thuyền không bị nước lũ cuốn trôi mất. Sau khi nước sông rút, khung cảnh bến sông rất hoang tàn, bùn lầy, cây gãy khắp mọi nơi, bà con đi lại sang bên kia bờ sông rất khó khăn. “Đất đai, ruộng vườn bị ảnh hưởng. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may, trước khi cơn bão ập đến gây ngập lụt, cách đó một tháng, bà con đã thu hoạch xong mùa mì nên cũng không bị mất trắng”, anh A Srắt nói. Dù vậy, nhưng những mùa vụ thu hoạch sau đó, việc di chuyển đưa nông sản từ khu vực bến sông về nhà rất khó khăn vì đường lầy và dốc. Những chuyến xe bò chở đầy nông sản phải cần chục thanh niên trai tráng phụ đẩy mới đi được. “Vất vả bao nhiêu năm, đến năm 2017, Nhà nước đầu tư xây dựng bờ kè và con đường bê tông dẫn từ thôn xuống bến sông, bà con ai cũng vui mừng và phấn khởi”, anh A Srắt cho biết thêm. Buổi chiều ở bến sông Kon Ngo K’tu còn đẹp hơn buổi sáng. Ánh hoàng hôn phản chiếu làm rực vàng cả bến sông. Khi ánh mặt trời dần khuất sau dãy núi phía xa xa, bến sông bắt đầu nhộn nhịp lên hẳn, những chiếc thuyền chở người bắt đầu trở về, chở theo các nông sản vừa thu hoạch. Một số chiếc thuyền phía xa xa thì vội thu lưới bắt cá lên để trở về nhà kịp lo bữa tối… Và cứ như thế, bến sông làng Kon Ngo K’tu mỗi ngày luôn nhộn nhịp như vậy gắn với cuộc sống và sinh hoạt của bà con nơi đây. Đức Thành/baokontum.com.vn

Có thể bạn quan tâm:

  • Điện Biên: Khai hội đua thuyền đuôi én trong đầu năm mới 2020
  • Bảo tàng Yên Bái tiếp nhận gần 100 hiện vật giai đoạn cách mạng và thời kỳ bao cấp
  • Giải pháp khôi phục du lịch Thanh Hóa trong trạng thái bình thường mới
  • Nhà thờ Gỗ Kon Tum
  • 'Hương sắc Lào Cai' tô đậm vẻ đẹp bản sắc và tinh hoa văn hoá Tây Bắc
  • Nhà lấy cảm hứng từ hang Sơn Đoòng được báo quốc tế đánh giá cao
  • "Tiếng trống Kim Sơn" và mùa Thu Cách mạng tại Hải Phòng
  • Từ 1/10, Khánh Hòa đón khách du lịch nội tỉnh đã tiêm 2 mũi Covid-19
  • Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén - vùng núi của những đổi thay
  • Hà Tĩnh sẵn sàng tuần lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất Nguyễn Du