Giữ gìn bản sắc để phát triển du lịch Kon Tum

Giữ gìn bản sắc để phát triển du lịch Kon Tum

Biểu diễn xoang và cồng chiêng ở một lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại Kon Tum. Thế mạnh từ tài nguyên văn hóa Hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Kon Tum rất đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện ở các loại hình: văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, kiến trúc, lễ hội và các loại nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật dân gian, ẩm thực, trang phục, thổ cẩm... Xuất phát từ thực trạng và vai trò quan trọng của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đối với cộng đồng, xã hội, các cấp chính quyền và ngành văn hóa Kon Tum đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu là giữ gìn và phát huy các giá trị của nhà rông - một biểu tượng và là thiết chế văn hóa không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng nhất của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Đến nay, toàn tỉnh có 449 nhà rông trên tổng số 593 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 76% làng dân tộc thiểu số có nhà rông. UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020”. Tỉnh đã triển khai điều tra, thống kê về cồng chiêng của đồng bào các dân tộc, đồng thời tiến hành phân loại cụ thể về chủng loại, số lượng các bộ cồng chiêng của từng dân tộc tại chỗ để thực hiện việc bảo tồn và xây dựng kế hoạch phát huy giá trị trong đời sống văn hóa của đồng bào. Số lượng cồng chiêng trong tỉnh hiện có 1.916 bộ, cơ bản phân loại được các loại cồng chiêng của các dân tộc thiểu số. Các ngành, các cấp địa phương có nhiều biện pháp hữu hiệu, đưa hoạt động cồng chiêng và các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian khác phục vụ cộng đồng. Ngành văn hóa tỉnh đã sưu tầm và xử lý khoa học được hàng nghìn hiện vật bao gồm trang phục, trang sức, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, dụng cụ lao động sản xuất truyền thống, nhạc cụ; thực hiện nhiều đợt trưng bày lớn, đón tiếp nhiều đoàn, lượt khách đến tham quan. Trong số hơn 200 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số, tỉnh đã tổ chức phục dựng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Ba Na, Brâu; phục dựng nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Lễ cưới truyền thống của dân tộc Ba Na, dân tộc Rơ Măm; lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới của dân tộc Rơ Măm; lễ làm chuồng trâu của dân tộc Xơ Đăng nhánh Mơ Nâm; lễ cúng làng của dân tộc Brâu; lễ bắc máng nước của dân tộc Xơ Đăng - nhóm Xơ Teng... Sau khi phục dựng, các nghề thủ công truyền thống, nhạc cụ truyền thống, các lễ hội tiêu biểu này được đồng bào các dân tộc duy trì, tự tổ chức định kỳ hằng năm ở các cộng đồng dân cư. Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Sử thi dân tộc Ba Na - Rơ Ngao tỉnh Kon Tum là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Gần đây, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Kon Tum phối hợp Viện Âm nhạc quốc gia khảo sát loại hình “đàn đá” bắc Tây Nguyên, nhận định tại lưu vực suối Ia Lân, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy có nhiều thanh đá kêu, khối lượng lớn đá sừng, có dấu hiệu gắn với một nền văn hóa thời kỳ đồ đá và đồ đồng từng tồn tại trên vùng đất Sa Thầy, đặc biệt khu vực này có mối quan hệ với di chỉ Lung Leng. Hơn 70 thanh đá kêu phát lộ thu nhặt được ở khu vực này là số lượng lớn so với các lần khảo sát trước ở các tỉnh khác, số lượng đá kêu (đá sừng) nhiều, âm thanh của những thanh đá kêu phù hợp với âm thanh cồng chiêng, các bài dân ca cổ. Có thể người dân địa phương từng dùng những thanh đá làm bộ gõ đuổi thú và giải trí… Hướng đi bền vững Ngày 18-5-2017, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Chương trình 35-Ctr/TU và cùng với đó, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 1607/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án “Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020”. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã phối hợp chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai hệ thống mô hình du lịch văn hóa nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh như Di sản văn hóa cồng chiêng, văn hóa ẩm thực, lễ hội, phong tục tập quán sinh hoạt, đời sống, kiến trúc… Cụ thể, đã hình thành những điểm du lịch văn hóa hấp dẫn và thu hút du khách như: điểm du lịch làng Kon Kơ Tu xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum; điểm du lịch làng Kon Pring, huyện Kon Plông; làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi; làng Kon Brăp Du, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy... Tại các làng văn hóa du lịch, khách được tham quan tìm hiểu kiến trúc truyền thống, trải nghiệm đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân, tham gia sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, thưởng thức các món ăn dân dã, truyền thống của người bản địa, các sản phẩm khai thác từ thiên nhiên hoặc trải nghiệm học các nghề truyền thống như dệt vải, đẽo tượng dân gian… Đến thăm Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) A Biu trong ngôi nhà mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Ba Na tại làng Plei Klech, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, chúng tôi được giới thiệu về nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây. Là một trong những người tổ chức du lịch văn hóa đầu tiên của tỉnh Kon Tum, NNƯT A Biu tâm sự: “Mình làm du lịch văn hóa xuất phát từ niềm đam mê giữ gìn bản sắc dân tộc và muốn giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến với du khách trong và ngoài nước. Nhà mình khuyến khích người dân trong làng cùng tham gia để khôi phục, giữ nghề truyền thống của ông bà như tự làm đàn nêu, làm gùi, trang phục trong lễ hội..., tất cả đều làm thủ công. Đội cồng chiêng phục vụ du khách đều là con cháu trong làng, vừa giữ gìn được văn hóa dân tộc, tạo sự đoàn kết, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân”. Đến nay NNƯT A Biu đã sưu tầm được bảy bộ cồng chiêng, có những bộ được trả giá cả trăm triệu đồng nhưng ông không bán, ông muốn giữ lại cho con cháu sau này. Dịp Tết Canh Tý 2020, NNƯT A Biu đã dành một buổi để tập hợp thanh niên trong làng cùng chơi cồng chiêng, ôn lại truyền thống dân tộc, thắt chặt tình đoàn kết. Những năm qua, Kon Tum quan tâm thực hiện tốt việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch bền vững. Theo Trưởng phòng Quản lý du lịch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum Đỗ Văn Minh, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số địa phương gắn với phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần xây dựng nông thôn mới. Phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các yếu tố văn hóa hướng về các vùng nông thôn đã tạo thu nhập ổn định cho nông dân, tạo ra một số sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương. Dịch vụ lưu trú homestay (nhà ở của người dân có phòng cho khách du lịch thuê) thời gian gần đây được người dân tập trung đầu tư. Du khách được trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người dân, tham gia lao động sản xuất với người dân bản địa nhằm tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hóa truyền thống. Phát triển du lịch văn hóa cũng tác động đến ý thức người dân về xây dựng môi trường cảnh quan văn minh, sạch đẹp; ý thức bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc (khôi phục lễ hội, khai thác ẩm thực, trang phục, nghệ thuật truyền thống) nhằm tạo điểm khác biệt để thu hút khách du lịch. Qua đó, tạo chuyển biến về cảnh quan, môi trường, đời sống văn hóa tinh thần của nhiều khu vực nông thôn. Tuy nhiên, người dân trong tỉnh chưa quen làm du lịch văn hóa, một số hộ có tổ chức kinh doanh nhưng còn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Sự liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác để tạo chuỗi giá trị sản phẩm du lịch chưa thật sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế về đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc địa phương. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được thực hiện một cách đồng bộ và sâu rộng trên tất cả các loại hình, cho từng cộng đồng dân tộc; chưa phát huy hiệu quả để trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách do nhiều loại hình di sản văn hóa đang bị mai một hoặc mất hẳn. Nguồn kinh phí thực hiện công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa rất hạn chế, chỉ triển khai theo từng đợt, từng giai đoạn theo từng loại hình. Đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc còn rất hạn chế, ít kinh nghiệm. Nhận thức của đa số đồng bào các dân tộc thiểu số về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa còn hạn chế, chưa ý thức tự bảo tồn văn hóa truyền thống của mình… Thời gian tới, để phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững ngành du lịch, tỉnh Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Kon Tum thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa trong và ngoài tỉnh, ngoài nước, tạo điều kiện hội nhập về văn hóa. Thường xuyên mở lớp tập huấn và đào tạo cho cán bộ về công tác sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; mở lớp truyền dạy các di sản văn hóa trong cộng đồng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, sưu tầm... PHÚC THẮNG/ nhandan.com.vn

Có thể bạn quan tâm:

  • Đảo chè Thanh Chương hút hồn giới trẻ
  • Tiền Giang: 240 công dân Việt Nam trở về từ Singapore hoàn thành thời gian cách ly y tế
  • Đánh thức tiềm năng du lịch vùng đất Phố Hiến
  • Bột sắn chấm nước mắm: Nghe kỳ lạ nhưng là món ăn tuổi thơ của rất nhiều người
  • Hà Tĩnh cấm biển từ 15h chiều nay
  • Bảo tàng Dược học cổ truyền độc đáo tại Bình Dương
  • Những món ăn đặc sản của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn
  • Bình minh trên đảo Phú Quý, cảnh đẹp mê hoặc lòng người
  • Lung linh sắc màu Trung Thu thành Tuyên
  • Miến lươn Ninh Bình – hương vị đậm chất quê hương