Bơ sáp, đặc sản Đắk Lắk

Bơ sáp, đặc sản Đắk Lắk

Cuối thế kỷ thứ XVI, từ nước Pháp xa xôi, những cây bơ sáp đầu tiên đã hiện diện tại Việt Nam. Vùng đất được coi là hội tụ đầy đủ những yếu tố đất đai, khí hậu tuyệt vời cho bơ sáp là Tây Nguyên. Nhưng, bơ sáp đặc biệt ngon, nếu được trồng tại Đắk Lắk. Vùng đất phía Nam Tây Nguyên hơn 13.000 km2 này có tài nguyên đất đặc biệt, trong đó chủ yếu là nhóm đất xám, đất đỏ bazan và một số nhóm khác như: đất phù sa, đất gley, đất đen, khả năng giữ nước và hấp thu dinh dưỡng cao... rất thích hợp với các loại cây công nghiệp, trong đó có bơ sáp. Thêm nữa, tiểu vùng khí hậu ôn đới phía Đông và Nam tỉnh, nới có độ cao trung bình 700m so với mực nước biển, khiến cho hương vị của những trái bơ sáp được trồng tại đây thêm đặc biệt. Nhiều người trong số chúng ta vẫn thường ấn tượng với lớp sáp vàng ươm, mịn màng của quả bơ mà không biết rằng lượng dinh dưỡng chủ yếu của loại trái cây này lại nằm ở phần thịt màu xanh và phần sơ của quả bơ. Dù được dùng để ăn tươi, hay làm kem, sinh tố hoặc nấu súp, làm sốt ăn kèm, thậm chí làm nguyên liệu đắp mặt…thì trái bơ sáp luôn mang đến cho người dùng cảm giác mãn nguyện với hương vị thơm ngậy dịu dàng của nó. Trái bơ sáp Đăk Lắk khi chín, có 2 loại cơ bản là bơ chính xanh và bơ chín tím. Những người sành ăn đều thấy bơ chín tím nhiều sáp hơn, thơm ngậy hơn bơ chín xanh. Trái bơ ngon phải là bơ già, được thu hoạch từ những cây lâu năm, có độ cao lên đến 20m. Trái bơ nhiều sáp ở cây lâu năm có vỏ sần sùi. Trái bơ xanh có lấm tấm vàng đảm bảo cho lượng sáp nhiều và thơm ngậy hơn. Vỏ trái bơ trơn nhẵn, láng mịn, dù đẹp, nhưng đó là bơ nước. Những người sành ăn có mẹo chọn bơ rất độc đáo: Dùng cả bàn tay bóp nhẹ trái bơ và cảm nhận, bơ sáp chín ngon sẽ cho cảm giác mềm mại, thân thhiện với tay, còn bơ sượng bóp nhẹ cảm thấy như sờ vào cục cao su cứng và đàn hồi. Khi lắc quả bơ, nếu nghe rõ tiếng hạt bên trong nghĩa là hạt bơ nhỏ, ruột rỗng, như vậy thịt quả bơ chắc chắn sẽ không dẻo. Nên khi lắc mà không nghe tiếng hạt thì là quả ngon. Bơ sượng không nên vứt đi, ở một số nơi, người ta thái bơ ra đem xào salad, ăn vị ngăm đắng như ăn mướp đắng khá ngon và bổ. Bơ sáp ngon không phải loại bơ thu hoạch vào đầu mùa mưa (từ tháng 2 đến tháng 5, sẽ bị xơ nhiều), cũng không phải bơ thu hoạch vào mùa khô (tháng 10 đến tháng 11 vì sẽ chín không đều). Khoảng thời gian còn lại trong năm, thiên nhiên trời đất giao hòa, bơ sáp Đắk Lắk sẽ có chất lượng cao nhất, quyến rũ lòng người với vị thơm ngậy không thể trộn lẫn. Nếu lần đầu tiên thưởng thức, bạn sẽ thấy vị bơ hơi nhạt. Nhưng ngay sau đó là vị béo ngậy như tan ra trên lưỡi, một vị thanh nhẹ, mát lành sẽ khiến bạn muốn ăn mãi. Lắc lư trên bành voi ở Bản Đôn hay lạc vào giữa mê mẩn giữa cánh đồng hoa tím ở xã Băng A Drênh, huyện Krông Ana, Đắk Lắk hoặc thả trôi suy tưởng bên bờ hồ Eakeo, một trong ba hồ nước ngọt đẹp nhất Việt Nam, với ly sinh tố bơ sáp trên tay, bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn hơn thiên nhiên đất trời Tây Nguyên ở Đắk Lắk hùng vĩ và mến khách. Phạm Dương

Có thể bạn quan tâm:

  • Thái Nguyên mời chuyên gia thám hiểm Sơn Đoòng về khảo sát tour hang động
  • Về thăm làng nghề làm mây tre đan Tăng Tiến
  • Con đường 160 cây kèn hồng nở rực rỡ ở Sóc Trăng
  • Đã tìm ra thác nước đẹp nhất Tây Nguyên lên hình “ảo” như cổ tích, vậy mà đó giờ lại hiếm người biết đến vậy
  • Tưng bừng lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc H'Mông
  • ‘Lễ dâng trầm sẽ truyền đi thông điệp hòa bình’
  • Nhảy lửa - sản phẩm du lịch độc đáo
  • Triển lãm thư pháp và sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh
  • Quảng Nam trùng tu di tích chờ ngày đón khách
  • Doanh nghiệp du lịch TP.HCM kích cầu dịp cuối năm