Khám phá các sản vật và đặc sản Long An

Khám phá các sản vật và đặc sản Long An

Đậu phộng Đức Hòa Đậu phộng hay lạc là một trong những đặc sản nức tiếng của tỉnh Long An, được trồng nhiều nhất ở huyện Đức Hòa. Được thiên nhiên ưu đãi nên giống đậu phộng ở đây thơm, ngon, béo ngậy. Vỏ ngoài cứng chắc, lớp vỏ lụa mỏng dai, và hạt mẩy to. Đậu phộng Đức Hòa thường được thu hoạch vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch. Đậu phộng là thức ăn phổ biến, được người dân nơi đây chế biến thành nhiều món như đậu phộng luộc, đậu phộng rang tỏi ớt, đậu phộng da cá, hay nấu với các món ăn, và làm thành dầu ăn đậu phộng nguyên chất. Gạo nàng thơm chợ Đào “Vẫn mùi hương ấy, tình yêu ấy Lúa theo ta vào tận chiến hào Trong ngần đấy, dễ gì ta thấy Giọt lệ buồn trong ánh mắt em trao.” Trích thơ “Nàng thơm” Đó là những câu thơ chan chứa tình cảm mà nhà thơ Hoài Vũ ưu ái viết về gạo nàng thơm chợ Đào, đặc sản nổi tiếng của đất Long An. Gạo nàng thơm chỉ ngon khi được trồng trên cánh đồng chợ Đào, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước bởi giống lúa này nếu mang trồng ở nơi khác thì gạo không thể ngon bằng. Vẫn chưa có lời giải thích nào thỏa đáng về điều này nhưng một số nhà chuyên môn cho rằng đó là do chất đất, chỉ có đất ở đúng địa danh này mới cho ra loại gạo nàng thơm chợ Đào đúng chuẩn. Ảnh: bantindulich.com Hiện xã Mỹ Lệ có gần 1000 ha trồng lúa, trong đó có khoảng 500 ha là trồng lúa nàng thơm. Gạo chợ Đào có mùi rất thơm, bảo quản 5-6 tháng vẫn còn hương thơm và nấu lên vẫn dẻo và ngon. Hạt gạo thon dài, ở giữa hạt gạo có một chấm đục giống như hạt lựu. Gạo nấu chín cho cơm dẻo, không dính, có mùi thơm đặc trưng. Cơm nấu từ gạo nàng thơm chợ Đào mà ăn với cá kho tộ thì ngon phải biết. Xưa kia, gạo nàng thơm chợ Đào là sản vật dùng để tiến vua. Rượu đế Gò Đen Ảnh: Báo Long An Rượu đế Gò Đen là loại rượu trứ danh của Long An nói riêng và Tây Nam Bộ nói chung. Rượu được nấu ở các xã Mỹ Yên, Long Hiệp và Phước Lợi của huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Khu vực này còn gọi là vùng Gò Đen, vốn nổi tiếng với nhiều lò nấu rượu. Rượu đế Gò Đen trong vắt, có vị ngòn ngọt, cay nồng, được nấu thủ công từ gạo nếp hảo hạng và lên men theo công thức gia truyền với các loại thảo mộc tự nhiên. Rượu càng để lâu, uống càng ngon. Dứa Bến Lức Ảnh: traicayxuatkhau.com Dứa là loại quả rất quen thuộc, hầu như dứa ở đâu cũng giống nhau nhưng dứa Bến Lức thì không giống với loại dứa nào khác ở Việt Nam. Dứa Bến Lức có vị ngọt dịu, chua vừa phải và rất thơm, mùi thơm của trái dứa Bến Lức có thể đánh thức vị giác của bất kỳ ai. Tới huyện Bến Lức, Long An, bạn có thể bắt gặp các sạp bán dứa dọc ngay bên đường. Dứa thường được chọn là cây trồng giải pháp cho những vùng đất bị nhiễm phèn, không trồng được lúa. Miền Tây là nơi trồng nhiều dứa, nhưng ngon nhất ngoài dứa Bến Lức ở Long An còn có dứa Cầu Đất ở Hậu Giang. Quả dứa có thể ăn trực tiếp, ép thành nước uống giải khát hoặc chế biến với nhiều món ăn như lòng gà xào dứa, canh riêu cá với dứa chua… Dưa hấu và thanh long Châu Thành Ảnh: tuhaoviet.vn Long An là đất trồng dưa hấu và thanh long nổi tiếng cả nước. Dưa hấu ngon phải kể đến là dưa hấu Long Trì (huyện Châu Thành), dưa hấu Tân Trụ (huyện Tân Trụ). Dưa hấu là loại quả được tiêu thụ rất nhiều vào dịp Tết. Đặc điểm dưa hấu ở Long An là vỏ mỏng, xanh đều, quả dưa có vị ngọt thanh, có giống dưa có hạt hoặc không hạt, có thể để được lâu ngày. Dưa hấu là loại quả giải khát được ưa chuộng vào mùa hè, đặc biệt là ở xứ nóng như các tỉnh miền Tây. Ảnh: nongsanngon.com.vn Một loại quả khác không thể thiếu khi đến Long An, đó là quả thanh long. Thanh long ngon là thanh long được trồng ở huyện Châu Thành. Ở đây có thanh long ruột trắng và ruột đỏ, ăn có vị ngọt mát khác hẳn với những giống thanh long ở những nơi khác trên cả nước. Những vườn thanh long trĩu quả  ở đây còn là điểm tham quan lý tưởng cho du khách tới Long An. Quả thanh long được ăn trực tiếp hoặc xay sinh tố với một số loại quả khác. Lạp xưởng tươi Cần Đước Ảnh: Báo Long An Lạp xưởng Cần Đước tươi có vị chua ngọt, được làm hoàn toàn thủ công, nguyên liệu chế biến là từ thịt lợn tươi (phần thịt đùi) và mỡ thái hạt lựu. Đây là những đặc điểm chính khiến lạp xưởng tươi của Cần Đước không giống với bất kỳ loại lạp xưởng nào khác. Nhân sau khi tẩm ướp ngấm các loại gia vị sẽ được nhồi vào ruột và đem phơi 2-3 nắng. Lạp xưởng tươi Cần Đước được nướng trên than hồng hoặc luộc với nước dừa, rang với cơm, ăn kèm xôi…Có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 4 độ C trở xuống. Đây là món quà mà nhiều người lựa chọn khi đến Long An. Mắm còng Cần Giuộc Long An có một số loại mắm ngon như mắm cá lia thia, mắm tôm chà nhưng nổi tiếng nhất là mắm còng, được làm từ con còng, một loại cua biển sống ở các khu đầm lầy ngập mặn. Mắm còng ngon là ở huyện Cần Giuộc, nơi có hàng trăm hộ sản xuất mắm còng. Người dân địa phương thường làm mắm còng vào khoảng tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau, vào mùa khô, thuận tiện cho việc phơi còng, vì đây là công đoạn quan trọng để làm mắm. Con còng mua về được sơ chế cẩn thận rồi phơi nắng cho thịt teo lại rồi cho vào hũ ướp gia vị tới hơn một tháng (khoảng 45 ngày) mới lấy ra ăn được. Ảnh: dacsanmoimien.com Mắm thành phẩm có màu đen, thơm nồng, chỉ cần thêm đường, tỏi, ớt, chanh là có vị ngon vừa ăn. Mắm còng là món ăn thường xuất hiện trên mâm cơm của người dân, đặc biệt ngon khi kết hợp với các món luộc. Hồng Điệp (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm:

  • Bản Pác Ngòi
  • Đắk Lắk: Triển khai các chương trình phục hồi du lịch
  • Tục lạ ở Tà Hộc: Buộc chỉ cổ tay giữ vía không đi "lạc" về cõi âm
  • Những điểm đến ấn tượng nhất đất Lai Châu
  • Khám phá 3 đồi chè trái tim đẹp nhất Mộc Châu
  • Những “đặc sản” giúp biển Ninh Chữ nổi tiếng
  • Nhộn nhịp phố đi bộ và chợ ẩm thực phố núi Cao Bằng
  • "Đương" - nốt lặng rất "Đà Lạt"
  • Thác Tiên thiếu nữ mộng mơ
  • Ngon nức tiếng 5 đặc sản ở Lạng Sơn