Viếng thăm ngôi cổ tự 200 năm tuổi ở Lai Vung

Viếng thăm ngôi cổ tự 200 năm tuổi ở Lai Vung

Chùa Bửu Hưng tọa lạc tại xã Long Thắng, huyện Lai Vung Theo lịch sử ghi chép tại chùa thì Bửu Hưng tự được thiền sư Nguyễn Đăng thành lập vào giữa thế kỷ 18, khoảng những năm 1777 - 1780. Tuy nhiên, do buổi đầu lập chùa còn khó khăn nên chùa được dựng lên từ cây lá địa phương là chủ yếu. Đến đời trụ trì thứ ba là thiền sư Tiên Thiện Từ Lâm tiếp quản, khoảng năm 1820 thì chùa Bửu Hưng được đại trùng tu. Cũng trong năm này, ngôi chùa được vua Gia Long phong sắc tứ Bửu Hương tự. Sau đó, nhà sư đã cho xây dựng ngôi chùa đơn sơ thành một ngôi đại tự kiên cố bằng cây gỗ quý. Mãi đến đời trụ trì thứ 8 là đại sư Như Lý Thiên Trường (1887 - 1969), chùa lại được trùng tu lớn. Trong những năm 1909 - 1911, sư đã cho sửa sang chánh điện, chạm trổ thêm bao lam thần vọng, biển thờ, hoành phi, câu đối... Đồng thời, nhà sư cũng cho chỉnh sửa lại khu mộ tháp và trồng thêm cây cảnh nên ngôi chùa càng thêm đẹp đẽ và uy nghiêm. Tượng Phật A Di Đà được làm bằng gỗ cao 2,5m Trong kháng chiến chống Pháp, khoảng năm 1947, chùa bị máy bay Pháp ném bom làm hư hại rất nhiều, trong đó phần nhà Hậu Tổ bị sụp đổ hoàn toàn. Đến năm 1950, tăng chúng góp công, góp của trùng tu các chỗ bị hư hại, dựng lại nhà Hậu Tổ, đồng thời thu gọn lại Đông lang và Tây lang. Chùa Bửu Hưng được xây dựng trong một khu vườn rộng, phía trước là một con rạch nhỏ. Chùa xây dựng theo kiểu chữ “tam”, ngang 15m, dài 50m gồm Tiền đường, Chánh điện và nhà Hậu Tổ. Tiền đường và Chánh điện nối liền nhau. Chánh điện gồm 3 gian, 2 chái rộng lớn kiểu tứ trụ, có bao lam, thần vọng chạm trổ tứ linh rất tinh xảo và công phu. Một trong những điểm thú vị trong kiến trúc xây dựng ngôi chùa này chính là những vật liệu xây dựng. Đại đức Thích Thiện Bửu, chùa Bửu Hưng cho biết: “Buổi sơ khai, các loại vật liệu như xi măng vẫn chưa xuất hiện, tiền nhân thời đó đã dùng một thứ vữa đặc biệt được kết hợp từ nhựa cây ô dướt và mật mía đường để xây dựng chùa. Tuy trải qua gần 200 năm, gạch nền bắt đầu mục, song loại vữa này vẫn còn kết dính khá tốt”. Những cây cột gỗ to và quý có niên đại 200 năm tại chùa Bửu Hưng Ngoài nét kiến trúc cổ kính, điểm đặc biệt của chùa Bửu Hưng chính là phần lớn các tượng Phật trong chùa đều được làm bằng nhiều loại gỗ quý có niên đại hàng trăm năm tuổi. Trong đó đáng chú ý là tượng Phật A Di Đà được làm bằng gỗ cao 2,5m do triều đình nhà Nguyễn gửi vào cúng dường năm Minh Mạng thứ 2 (năm 1821) được đặt giữa chánh điện. Bên cạnh tượng Phật A Di Đà, 2 tượng Hộ pháp, bộ tượng Thập Điện Diêm Vương, bao lam, hoành phi, câu đối... được chạm trổ rất tinh xảo. Hiện chùa vẫn còn hơn 100 cây cột gỗ to và quý, ba bộ cửa gỗ lớn (mỗi cửa 4 cánh) có chạm hình rồng và hoa lá rất mỹ thuật. Ba bộ cửa này được làm ở đầu thế kỷ 20 và được dựng ở vách sau Chánh điện vào những năm 1909 - 1911. Theo baodongthap.vn

Có thể bạn quan tâm:

  • Tây Ninh: Lần đầu tiên tổ chức giải marathon khám phá núi Bà Đen
  • Lễ hội tình yêu nơi 2 hòn đá nghìn năm chênh vênh thách thức thời gian
  • Những khách sạn "ngon, bổ, rẻ" ở trung tâm thành phố Điện Biên
  • Có một nơi ở Quảng Nam người dân phơi mít chín làm món ăn
  • Bộ VHTTDL thẩm định Báo cáo KTKT tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Keo, tỉnh Thái Bình
  • Hồ Kẻ Gỗ - điểm du lịch xanh hấp dẫn du khách
  • Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành xây dựng Hạ tầng tích hợp dữ liệu du lịch
  • Thế giới công nhận Việt Nam là điểm đến hàng đầu về du lịch hang động
  • Du khách nườm nượp check-in rừng cao su mùa lá rụng
  • Điều chỉnh tượng Trịnh Công Sơn đặt ở biển Quy Nhơn vì… hơi mập