Bắt tay phát triển du lịch cộng đồng

Bắt tay phát triển du lịch cộng đồng

Đối với đất nước có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều nơi còn hoang sơ như Việt Nam, mô hình du lịch cộng đồng (homestay) được xác định là một thế mạnh. Với hình thức đặc trưng là khách du lịch cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá cuộc sống thường ngày với những gia đình người bản địa, homestay thực sự là lãnh địa đầy tiềm năng tại tỉnh vùng cao như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang… Thậm chí cả ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, số hộ kinh doanh loại hình homestay không ngừng gia tăng. Theo công ty nghiên cứu thị trường AirDNA , đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích cho thuê kỳ nghỉ ngắn hạn hàng đầu thế giới, tính riêng tại TP. HCM, nếu năm 2016 chỉ có có hơn  6.000 chỗ ở dạng homestay thì năm 2017, con số này lên tới 15.000, và đến năm 2018 là hơn 20.000. Khoảng một nửa trong số này là hoạt động thực sự. Tương tự như vậy, tại Hà Nội, số lượng chỗ ở cũng gia tăng từ xấp xỉ 3.200 chỗ ở năm 2016 lên hơn 8.100 năm 2017 và tới hơn 11.200 trong nửa đầu năm 2018 trong đó có trên 6.400 hộ vận hành hoạt động. Tuy nhiên, chính vì sự “trăm hoa đua nở” của các loại hình homestay mà việc quản lý hoạt động của homestay tồn tại nhiều bất cập. Anh Phạm Hải Quỳnh - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vận tải Xanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Cộng đồng thừa nhận: “Hiện nay tồn tại thực tế là nhiều nơi xây dựng homestay nhưng không phải là hình thức lưu trú tại nhà của người dân địa phương, không tham gia các hoạt động trải nghiệm khám phá với cộng đồng bản địa. Như vậy là homestay đã hoạt động không đúng bản chất vốn có của nó”. Chưa kể đến, công tác quản lý homestay còn chưa thực sự chặt chẽ. Không ít homestay (đặc biệt là ở các trung tâm du lịch lớn) hoạt động mang tính đơn lẻ, thiếu sự liên kết để có các hoạt động cộng đồng. Có tình trạng homestay kinh doanh online, không đăng ký kinh doanh, không đóng thuế (tương tự như kinh doanh online trước đây khi nhà nước chưa xiết chặt quản lý.) Du lịch homestay là du lịch dựa vào các gia đình bản địa, cần có sự tập huấn về nghiệp vụ và hỗ trợ về tài chính ban đầu. Tại không ít điểm đến có những đặc điểm văn hóa đặc sắc, giàu tiềm năng khai thác phát triển du lịch, việc tiếp cận các chính sách hay sự hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ, vốn đầu tư... đối với kinh doanh homestay gặp không ít khó khăn. Bắt tay với các tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy du lịch homestay đi đúng hướng Tại buổi tọa đàm “Phát huy vai trò kinh tế tư nhân thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn” diễn ra ngày 4.4 tại Hà Nội, anh Nguyễn Tiến Đạt - PGĐ TransViet đặt câu hỏi : thay vì loay hoay bàn thảo các giải pháp nâng cao chất lượng và hoạt động của homestay, tại sao chúng ta không tiếp thu và nhân rộng các mô hình homestay tiên tiến? “Tôi có may mắn được tham gia chuyến famtrip xây dựng tour du lịch cộng đồng tại Đà Bắc, Hòa Bình do tổ chức phi chính phủ AOP (Action on Poverty) của Australia tiến hành. Từ vùng đất Đà Bắc cằn cỗi không có tài nguyên, họ đã cải tạo nên một khu du lịch sinh thái xanh, mang lại sinh kế cho hàng trăm lao động địa phương nghèo khổ vốn phải di dời nhà cửa để nhường chỗ cho thủy điện Hòa Bình." "Họ phân công các tổ về lưu trú, về nấu nướng, về vui chơi giải trí, về trải nghiệm làng nghề thủ công truyền thống vô cùng bài bản và chuyên nghiệp. Thực sự là người làm du lịch, chúng tôi cũng phải ngưỡng mộ, khâm phục họ” – anh Đạt chia sẻ. Chị Vũ Giang Biên, Giám đốc Công ty CP TM và Du lịch Thiên đường Á Châu Là người trực tiếp phối hợp với tổ chức phi chính phủ AOP của Australia trong việc xây dựng và phát triển tour du lịch cộng đồng ở xã Ngọc Chiến, Mường La, Sơn La, chị Vũ Giang Biên, Giám đốc Công ty CP TM và Du lịch Thiên đường Á Châu chia sẻ: “Việc phối hợp với tổ chức AOP xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở xã Ngọc Chiến, Mường La, Sơn La thực sự là bước tiến lớn đối với không chỉ chúng tôi mà cả người dân địa phương." "Tại vùng cao xa xôi này, chúng tôi cùng xây dựng một mô hình hợp tác xã du lịch, tạo lợi ích chung cho cộng đồng. Tổ chức AOP sẽ cấp vốn cho mỗi hộ gia đình bản địa tham gia mô hình hợp tác xã du lịch từ 50-70 triệu đồng (cho vay không lấy lãi trong vòng 10 năm), phân cấp hộ kinh doanh lưu trú, hộ chuyên nấu nướng, hộ chuyên trồng trọt, chăn nuôi, hộ chuyên phát triển sản phẩm thủ công truyền thống… để phục vụ cho du khách." Nguồn thu nhập một phần chia cho các hộ gia đình trực tiếp tiếp tham gia, một phần sẽ trích vào quỹ đầu tư, tái tạo chung. Số tiền trong nguồn quỹ này sẽ được dùng để đóng góp cho công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương” - chị Vũ Giang Biên cho biết. Những nếp nhà sàn mang bản sắc văn hóa Thái mời gọi du khách Người dân địa phương tham gia vào mô hình hợp tác xã du lịch cộng đồngNhững tiết mục văn nghệ đặc sắc do chính người dân địa phương biểu diễn phục vụ du kháchKhông gian sinh hoạt cộng đồng gần gũi với thiên nhiên Việc bắt tay hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, chẳng hạn như AOP, hoạt động với tôn chỉ “tạo quyền cho người dân địa phương để tạo ra những thay đổi trong cộng đồng và thoát khỏi nghèo đói kinh niên” trong việc xây dựng du lịch cộng đồng đang thúc đẩy mảng du lịch homestay đi đúng theo hướng cần thiết của loại hình du lịch này. Anh Vũ, Ngọc Quỳnh/ Vietnam Journey

Có thể bạn quan tâm:

  • Trải nghiệm vùng đất sen hồng tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc
  • Mì thảy: Món mì độc đáo, khi ăn phải tung hứng lên tới 1,5m mới đúng kiểu
  • Người thương binh gần 50 năm giữ Đền thờ Bác Hồ
  • Cận cảnh thư tịch cổ trong kho lưu trữ tài liệu quốc gia triều Nguyễn
  • Hấp dẫn trải nghiệm 'Lạng Sơn - Đêm huyền bí'
  • Ngắm nhìn 'cột khói trắng ngút trời' ở vương quốc gạch hơn 100 năm tuổi
  • Xáo chuối Lâm Thao - Món ăn mang hương vị quê hương
  • Nghệ An: Tưng bừng Hội diễn văn nghệ các dân tộc thiểu số
  • Đắk Lắk chuyển đổi xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi
  • Đăk Lăk: hướng tới phát triển cà phê đặc sản