Điều chỉnh tượng Trịnh Công Sơn đặt ở biển Quy Nhơn vì… hơi mập

Điều chỉnh tượng Trịnh Công Sơn đặt ở biển Quy Nhơn vì… hơi mập

Ngày 28/11, UBND tỉnh Bình Định xác nhận, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Văn hóa và Thể thao làm việc với đơn vị tư vấn chỉnh sửa tỷ lệ và một số chi tiết cụ thể đối với phần tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhiều ý kiến cho rằng tượng phác thảo Trịnh Công Sơn hiện tại hơi mập vì nhạc sĩ vốn là người nhỏ, gầy. Việc chỉnh sửa này được thực hiện theo ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH - TT&DL) cùng góp ý của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cụ thể tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ được điều chỉnh: thể hiện nếp nhăn trên trán, mặc áo sơ mi dài tay, ống tay 2 lần gấp, bỏ áo vào quần, có thắt lưng, đi giày, sửa lại bàn tay nhỏ hơn bổ sung thêm rào chắn tại vòng tam cấp (trụ inox thấp, có giăng dây inox) để bảo vệ tượng, chất liệu các vòng tròn tam cấp làm bằng đá granite. Sau khi được chỉnh sửa một số chi tiết nêu trên, báo cáo UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy trước khi triển khai. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng có thời gian sinh sống, học tập và sáng tác ở TP Quy Nhơn (Bình Định). Trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã có công văn gửi Bộ VH - TT&DL về việc xin ý kiến xây dựng tượng nghệ thuật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bên bờ biển Quy Nhơn. Theo đó, tượng nghệ thuật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dự định thực hiện có chủ đề: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với tác phẩm “Biển nhớ” bên bờ biển Quy Nhơn. Cụ thể, tạc tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở độ tuổi trung niên, ngồi đánh đàn guitar, bên cạnh là tổng phổ bài hát Biển nhớ, có khắc nhạc và lời. Tượng cao 2,4m, bệ tượng cao 0,75m, chất liệu đá Bình Định. Tượng dự kiến đặt tại công viên bên bờ biển Quy Nhơn, đoạn gần Trường ĐH Quy Nhơn - nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng học. Sau khi nhận được công văn của UBND tỉnh Bình Định, Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH - TT&DL) đã có văn bản trả lời, cơ bản nhất trí với mẫu tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, cần cân nhắc điều chỉnh về tỷ lệ cơ thể mẫu tượng vì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người nhỏ, gầy. Hiện nay tạo hình nhân vật hơi lớn, hai bàn tay to. Ngoài ra, cần xem lại tư thế bàn tay gẩy đàn và cân nhắc chất liệu tượng bằng đá hay bằng đồng, bằng đá thì sẽ không diễn tả chi tiết được. Không chỉ tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được dựng bên biển Quy Nhơn mà sắp tới tỉnh Bình Định sẽ biến đường ven biển Xuân Diệu thành con đường thơ để hút khách du lịch. Trong khi đó, nhiều ý kiến góp ý phác thảo của tượng là “hơi mập”. Liên quan đến ý kiến nguồn kinh phí xây dựng tượng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, cho biết do đây là tượng nghệ thuật nên nguồn kinh phí không lớn, một phần sẽ lấy từ ngân sách, phần còn lại sẽ được lấy từ nguồn xã hội hóa. “Sắp tới tỉnh sẽ thực hiện việc sưu tập các phiến đá tự nhiên, khắc vào đó những bài thơ nổi tiếng của những nhà thơ từng sinh sống làm việc tại Bình Định như: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan… Sau đó, đem trưng bày trên các tuyến đường ven biển Xuân Diệu và Hàn Mạc Tử ở TP Quy Nhơn. Việc làm tượng nghệ thuật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và tuyến đường thơ là nhằm quảng bá hình ảnh TP Quy Nhơn, thu hút khách du lịch”, ông Dũng cho hay. Theo dantri.com.vn

Có thể bạn quan tâm:

  • Chùa Cổ Lễ
  • Nhà vườn An Hiên – sự hồi sinh quý giá
  • Cá nướng Thạch Kim thơm lừng làng biển
  • 3 điểm đến thú vị dịp Giỗ tổ Hùng Vương
  • Thưởng thức “cá cậu ông trời” ở Vĩnh Long
  • Những trải nghiệm nên thử ở Quảng Bình
  • 9 địa danh du lịch nức tiếng ở Yên Bái
  • Đẹp mộng mơ những cánh đồng lau trắng vào mùa ven sông Hàn
  • Thánh địa Mỹ Sơn
  • Điểm mặt những món ăn có tên gọi lạ lùng, nghe lần đầu ai cũng bất ngờ