Đậm đà văn hóa miền biển ở Lễ hội Nghinh Ông - Thắng Tam Vũng Tàu

Đậm đà văn hóa miền biển ở Lễ hội Nghinh Ông - Thắng Tam Vũng Tàu

Ban Tế lễ thực hiện nghi thức Rước Sắc phong Thần vào lăng Ông Nam Hải “Tháng 8 lễ hội Nghinh Ông/Ai đi đâu đó nhớ mong mà về”. Câu ca dao đã đi sâu vào lòng người dân miền biển biển Vũng Tàu, mỗi khi tháng 8 về. 9 năm qua, lễ hội đã được UBND TP.Vũng Tàu nâng cấp về quy mô để thu hút khách du lịch. Điểm nhấn của lễ hội là ngày chính lễ Nghinh Ông (16/8 âm lịch). Trong nghi lễ này, các vị kỳ lão Đình thần Thắng Tam, chủ ghe và Ban tổ chức sẽ tham dự lễ rước trên biển. Đúng 5 giờ 30 sáng ngày 14/9 (tức 16/8 âm lịch), đoàn rước xuất phát từ cảng Cầu Đá (với hàng chục tàu, thuyền của ngư dân và các lực lượng hỗ trợ như Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển có trang trí cờ hoa rực rỡ hướng về Mũi Nghinh Phong. Khi đến khu vực Miếu Hòn Bà, đoàn rước tiến hành lễ cúng cầu ngư. Sau đó, đoàn quay về tập trung tại Nhà truyền thống Cách mạng (số 1, Bacu) và tiến hành lễ rước (diễu hành trên bộ). Sau nghi thức khai mạc được tổ chức trang trọng tại Nhà truyền thống Cách mạng, Ban Tổ chức gióng lên 3 hồi trống, 3 hồi chiêng làm hiệu lệnh cho Đoàn Nghinh Ông diễu hành trên các tuyến đường Quang Trung - Bacu - Trần Hưng Đạo - Hoàng Hoa Thám về Đình thần Thắng Tam. Trên lộ trình diễu hành, CLB lân - sư - rồng Thắng Tam Đường (TP.Vũng Tàu) biểu diễn nhiều màn múa rồng uốn lượn đẹp mắt. Hòa cùng các điệu múa lân - sư - rồng, dàn trống, chiêng, nhạc ngũ âm nổi lên rộn ràng. Đường phố nơi Đoàn Nghinh Ông đi qua được tô điểm thêm nhiều màu sắc với cờ, hoa, trang phục đủ màu tạo sự thích thú cho người dân địa phương và du khách. Các em học sinh hóa trang thành các loài thủy hải sản để nghinh ông Đoàn rước Ông Nam Hải thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân, khách du lịch 9 năm qua, hoạt động diễu hành trên bộ của Lễ hội Nghinh Ông - Thắng Tam Vũng Tàu thực sự trở thành một lễ hội hấp dẫn, thu hút sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân, học sinh. Đi đến đâu, Đoàn Nghinh Ông tạo không khí rộn ràng đến đó. Nhiều người còn gia nhập đoàn, tạo nên không khí lễ hội rất sôi động. Đặc biệt trong Đoàn Nghinh Ông có rất nhiều em học sinh trong vai những ngư dân, ngư phủ, tay cầm chèo lái hoặc hóa thân thành những loài sinh vật biển với váy áo, xiêm y lộng lẫy… Em Đinh Nguyễn Anh Thư (lớp 9A2 trường THCS Huỳnh Khương Ninh, TP. Vũng Tàu) cho biết, em cùng các bạn trong trường đến Đình thần Thắng Tam từ lúc gần 5 giờ sáng để hóa thân thành những loài sinh vật biển như cá, sò, ốc và tham gia diễu hành tại lễ hội Nghinh Ông. “Đây là lần đầu tiên tham gia lễ hội nên em rất vui và thấy lễ hội có nhiều nét văn hóa đặc trưng của ngư dân miền biển”, em Anh Thư nói. Đông đảo người dân và du khách tham gia lễ hội Dù lễ hội Nghinh Ông được tổ chức từ sớm nhưng sự kiện đã thu hút sự quan tâm của rất đông người dân và du khách. Đứng xem Đoàn Nghinh Ông ở đường Hoàng Hoa Thám, anh Suraj Sliing (du khách đến từ Ấn Độ) bày tỏ sự ngạc nhiên và thích thú: “Ban đầu, thấy xe công an, mô tô mở đường và đông đảo người tham gia, tôi cứ tưởng người dân ở đây đang đón một vị lãnh đạo cấp cao nào đó. Sau khi được vợ giải thích, tôi mới biết đây là một lễ hội truyền thống của người dân Vũng Tàu. Tôi rất ấn tượng với đoàn diễu hành có lân sư rồng, trống hội và cờ hoa rực rỡ”. Các thí sinh dự thi câu cá, một sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội Đình thần Thắng Tam Khi Đoàn Nghinh Ông về Đình thần Thắng Tam, Ban Tế tự đình tiến hành nghi thức cúng tế lễ bằng hát chèo bả trạo. Nghi thức này kéo dài 1 giờ để bày tỏ lòng biết ơn “Ông” đã ban cho ngư phủ đánh bắt được nhiều tôm cá và cầu cho quốc thái dân an. Tiếp đó là lễ cúng giỗ tiền hiền và các anh hùng liệt sĩ, lễ thỉnh sắc phong vào lăng Ông Nam Hải, chánh lễ cúng tế Ông Nam Hải, thỉnh sắc thần và long vị vào ngôi đình thần. Tham gia Lễ hội Nghinh Ông, bà Lê Thị Quẩn (nhà ở 23/7/9 Phan Bội Châu, phường 2, TP.Vũng Tàu) cho biết: “Gia đình tôi làm nghề đánh bắt cá nên năm nào tôi cũng tham gia lễ hội để cầu mong “Ông” phù hộ cho công việc thuận lợi, làm ăn tấn tới, cuộc sống khấm khá”. Nghinh Ông là lễ hội văn hóa tâm linh của người dân vùng biển nhằm tôn vinh tục thờ cúng cá Ông (cá voi), là vị thần cứu tinh, thiêng liêng của ngư dân trên biển, cầu mong biển lặng, gió hòa, ngư dân may mắn, thuận lợi, vượt qua mọi khắc nghiệt của bão tố, thiên tai để thành công trong những chuyến ra khơi. Thông tin về các hoạt động của Lễ hội Nghinh Ông – Thắng Tam Vũng Tàu năm 2019, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội cho biết: “Lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16/9 với nhiều hoạt động như: Lễ cầu ngư, lễ cúng ông Nam Hải, lễ giỗ các bậc Tiền hiền và các Anh hùng liệt sĩ, lễ rước kiệu, trình diễn tuồng cổ… Trong phần hội sẽ tái diễn các trò chơi dân gian truyền thống thể hiện tinh thần thượng võ và khí phách của dân tộc Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng. Với những hoạt động sôi nổi đó, lễ hội Nghinh Ông – Thắng Tam Vũng Tàu góp phần làm phong phú các hoạt động của năm du lịch Quốc gia 2019, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân và nâng tầm thương hiệu du lịch Vũng Tàu”. Quang Vũ - Quang Vinh/Báo Bà Rịa - Vũng Tàu điện tử

Có thể bạn quan tâm:

  • Bãi cọc Cao Quỳ (Hải Phòng): Mở ra hướng nghiên cứu mới về chiến thắng Bạch Đằng
  • Núi Đôi Quản Bạ
  • Tưng bừng Tết Đầu lúa vùng cao Bình Thuận
  • Gỏi lá Kon Tum: Món ngon ăn một lần là say
  • Làng cổ Phước Lộc Thọ
  • 'Con đường siro' Gò Công đỏ mọng đến không chịu nổi
  • Thí sinh Nguyễn Hàm Hương đăng quang Người đẹp xứ Mường năm 2019
  • Vẻ đẹp đầm Cầu Hai qua góc nhìn của tay máy Khang Chu Long
  • Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang
  • Có một Bình Định rất khác