Bánh cáy Thái Bình

Bánh cáy Thái Bình

Từ thành phố Thái Bình, xuôi theo Quốc lộ 10 chừng 10 km, rẽ vào Quốc lộ 39, đi một đoạn là tới làng Nguyễn - gốc rễ của bánh cáy, thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đây là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, đồng thời cũng là quê hương của món bánh cáy nổi tiếng một thời là sản vật tiến Vua. Các cụ ở nơi đây kể lại rằng: dân làng Nguyễn làm bánh đã từ lâu lắm rồi, từ ngày xửa ngày xưa… Bánh thường làm để ăn trong dịp tết. Thế rồi vào năm Canh Tý xưa ấy, có một ông quan đại thần kinh lý qua làng. Dân làng đem thứ bánh ấy biếu ông quan gọi là có chút quà quê. Ông quan đại thần đem thứ bánh ngon ấy về dâng lên vua. Vua ăn khen ngon và hỏi thứ bánh ấy tên là bánh gì. Bánh ăn thơm ngon, cay cay. Vì thế, ông quan trả lời “Thưa bệ hạ, bánh này là bánh cay ạ”. Thế là bánh cay được cả nước biết đến và được mọi miền ưa chuộng. Còn người đàn bà quê làng Nguyễn kia được vua ban thưởng. Một hôm, trong giấc mơ kỳ lạ, bà nhìn thấy hai mẹ con con cáy ôm nhau, bà liền rẽ biển đi tới nhưng cáy cứ gọi bà rồi run lẩy bẩy và biến mất. Trước khi qua đời, bà dặn con cháu đưa bà về với biển. Khi thi hài của bà xuống tới bờ biển thì lạ thay, một lối nước từ từ rẽ ra đón bà đi. Thế là từ đấy, người ta gọi bánh cay là bánh cáy, bánh thần cáy ban cho dân làng và đất nước. Bánh Cáy nổi tiếng một thời là sản vật tiến Vua Làm bánh cáy là cả một quá trình công phu và phức tạp. Việc đầu tiên là chuẩn bị nguyên liệu. Trước hết là gạo nếp cái hoa vàng. Nguyên liệu phụ gồm có quả gấc, quả hoặc lá dành dành, lạc, vừng, cà rốt, gừng, vỏ quýt và mỡ lợn. Gạo nếp được chia làm ba phần: hai phần nấu xôi và một phần rang nổ bỏng. Phần thứ nhất nấu xôi với nước quả gấc tạo thành màu đỏ thắm. Phần thứ hai đồ xôi với nước quả dành dành tạo thành màu vàng tươi. Phần thứ ba là rang thành bỏng nở tung, sảy sạch trấu thành thứ bỏng có mùi thơm phức còn là “nẻ”. Hai loại xôi trên đều giã nhuyễn, rồi cắt mỏng như mứt bí, sấy khô… Lạc, vừng rang chín, xát bỏ vỏ. Mỡ lợn thái thành khẩu muối với đường khoảng mười lăm ngày, rồi thái nhỏ như hạt lựu, xào ngọt, lấy độ trong, giòn. Cà rốt xào với nước đường, nước gừng. Vỏ quýt tươi chuẩn bị đầy đủ… Miếng bánh cáy ngon phải có độ dẻo, ngọt vừa phải, gạo nếp, lạc vừng dậy mùi Sau khi chuẩn bị tất cả các nguyên liệu, người làm bánh cáy cho tất cả các nguyên liệu trên trộn đều với đường mía rồi hâm nóng trên chảo, sau đó xúc nguyên liệu trên đổ vào khuôn gỗ nhồi nén thành bánh. Khuôn gỗ có nhiều loại, hình thù và kích thước tùy theo người sản xuất quyết định. Khuôn gỗ có lót vừng đã rang thơm ở xung quanh để khi lấy bánh ra thì toàn bộ mặt ngoài của tấm bánh được trang trí hoa văn bằng một lớp vừng thơm ngon và đẹp mắt. Miếng bánh cáy ngon phải có độ dẻo, ngọt vừa phải, gạo nếp, lạc vừng dậy mùi. Cắn miếng bánh thấy cái lạ miệng khi trong đó có mứt bí, cơm dừa sần sật, cay cay nồng nồng của mùi vị gừng tươi, nhấp chén nước trà đăng đắng thấy hương vị hòa quyện. Bánh cáy làng Nguyễn là kết tinh của hương đất, hương đồng và tấm lòng thảo thơm của người dân quê lúa. Theo thegioidisan.vn

Có thể bạn quan tâm:

  • Ngôi chùa cổ đặc sắc với nhiều phong cách kiến trúc ở Tiền Giang
  • Nức tiếng làng bột Sa Đéc trăm năm tuổi
  • Giữ hồn tượng gỗ dân gian trên mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn
  • Lào Cai truy vết khẩn cấp liên quan đến đoàn du khách có ca mắc COVID-19
  • Xuân mới trên vùng cao Bắc Kạn
  • Chiều an yên ở chùa Bổ Đà
  • Gỏi lá Kon Tum: Món ngon ăn một lần là say
  • Thịt nhím nướng - Đặc sản Kon Tum
  • Cánh đồng muối Bạc Liêu
  • Đà Bắc