Đừng để mất nét văn hóa độc đáo người Thủy

Đừng để mất nét văn hóa độc đáo người Thủy

Người Thủy đến giờ chỉ giữ được tiếng nói, một số bài dân ca và trang phục màu chủ đạo đen và xanh Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình nằm ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Tuyên Quang. Hơn 100 người Thủy sinh sống ở đây trình độ sản xuất và mức sống còn thấp so với các dân tộc khác. Sinh sống xen lẫn với dân tộc Mông, Dao, Tày, Pà Thẻn, nên văn hóa người Thủy đã có sự pha trộn, giao lưu với các dân tộc anh em. Tuy nhiên, nét văn hóa cốt lõi như ngôn ngữ, trang phục, hay những làn điệu dân ca của người Thủy vẫn giữ được nét riêng vô cùng độc đáo. Những làn điệu dân ca của người Thủy thường trữ tình, ngợi ca tình yêu đôi lứa, hay như để răn dạy con cháu về cách sống, dân ca, nghi lễ. Người Thủy thường tổ chức hát trong dịp lễ tết, cùng nhau quây quần uống rượu bên bếp lửa hồng. Thể thức phổ biến nhất là hát đối đáp, mọi người hát luân phiên nhau, xong lượt này đến lượt khác. Ngoài thanh niên nam nữ thì những người già cũng thường xuyên tham gia các cuộc thi hát này. Chị Lý Thị Toàn, người Thủy, ở thôn Thượng Minh, cho biết: "Do tộc người Thủy sinh sống tại thôn Thượng Minh còn quá ít, nên cho đến nay chữ viết đã không còn. Vì vậy mà những bài hát dân ca cũng dần bị mai một, chỉ còn một số ít được truyền miệng lại cho thế hệ sau. Hiện dân ca được lưu giữ lại chỉ còn khoảng 30 bài, trong đó một nửa là các bài cúng ma, làm lễ". Người Thủy thường quây quần bên bếp lửa uống rượu và hát dân ca Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số thì thầy cúng đóng một vai trò quan trọng trong cộng đồng, người Thủy cũng vậy. Thầy cúng là người đứng ra hành lễ ma chay, cưới hỏi, chữa bệnh, cầu xin thần linh sự may mắn trong làm ăn… chính những thầy cúng cũng là người lưu giữ, truyền bá phong tục, tập quán cho thế hệ sau. Do tộc người Thủy di cư sang Việt Nam quá ít, nên con người cũng như văn hóa đã có nhiều nét giao thoa với cộng đồng dân tộc khác. Bên cạnh đó, thế hệ thày cúng giỏi, cao tay hầu như đã mất, nên nhiều nét văn hóa, tín ngưỡng cũng dần bị mai một. Ông Lý Văn Ngọc, là người Thủy ở thôn Thượng Minh, cho biết, hiện còn một thầy cúng nhưng già lẫn rồi. Nhiều lễ lớn như ma chay, cầu mùa phải nhờ thầy người Pà Thẻn sang cúng hộ. "Bây giờ vẫn còn người cúng được, cưới hỏi thì cũng làm đơn giản thôi... ít người quá về sau cũng mai một, tiếng nói thì vẫn còn chuẩn. các cụ ngày xưa mất hết rồi nói thế thì cũng chỉ biết làm thế thôi" - ông Ngọc cho hay. Trong cuốn sách “Văn hóa truyền thống người Thủy ở Tuyên Quang”, chủ biên Nguyễn Ngọc Thanh, do Sở Khoa học & Công nghệ Tuyên Quang và Viện Dân tộc học xuất bản năm 2014 đã phác họa khá rõ nét về lịch sử, nguồn gốc, văn hóa, tín ngưỡng của tộc người Thủy. Đây là một trong những sắc màu trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Ông Tạ Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông - Thể thao huyện Lâm Bình, cho biết: "Tộc người Thủy có nét văn hóa riêng. Trong phát triển du lịch thì huyện cũng coi đây là tiềm năng. Chính vì vậy trong các lễ hội văn hóa huyện tổ chức cũng đưa những làn điệu dân ca, trang phục người Thủy để gắn phát triển du lịch với bảo tồn văn hóa địa phương". Bảo tồn, giữ gìn, phát huy văn hóa của tộc người Thủy ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang sẽ càng tô đẹp rực rỡ thêm sắc màu văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam./. Mạnh Phương/VOV1

Có thể bạn quan tâm:

  • Thành Kèn - ngôi thành cổ nhất Nam Bộ
  • Hòa Bình đẩy mạnh kích cầu du lịch trong tình hình mới
  • Mùa rêu xanh tại Rạn Nam Ô Đà Nẵng hút du khách check-in đầu năm
  • Người thương binh gần 50 năm giữ Đền thờ Bác Hồ
  • Ngày cuối của đợt nghỉ lễ, cửa ngõ TP.HCM thông thoáng
  • Đậm đà bánh chuối Rằm tháng Bảy
  • Nhà hàng Cua Vàng
  • Khu di tích danh thắng Yên Tử
  • Hoa đào chuông quý hiếm đua nhau khoe sắc trên đỉnh Bà Nà Hills
  • Nhớ mùa thu Hà Nội