Khám phá giá trị cổ những chốn linh thiêng ở Quan Lạn

Khám phá giá trị cổ những chốn linh thiêng ở Quan Lạn

Độc đáo đình Quan Lạn Được xây dựng từ thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ 17) tại thương cảng cổ Cái Làng, đình Quan Lạn là một trong hai ngôi đình cổ nhất của tỉnh Quảng Ninh. Cuối đời Lê đầu đời Nguyễn, thương cảng cổ Cái Làng không còn tác dụng trong thương mại mậu dịch trong và ngoài nước nữa, cư dân Cái Làng di chuyển về địa điểm mới, tức Quan Lạn ngày nay. Đình Quan Lạn. Ảnh: Hải Nam Đình được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Công, bao gồm bái đường và hậu cung được nối bởi ba gian ống muống, mái đình lợp ngói vẩy, các đầu đao uốn cong, trên bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Sàn đình được làm bằng gỗ, kiểu kiến trúc này chỉ có ở đình Bảng (Bắc Ninh), và đình Trà Cổ (Móng Cái). Bên trong đình được chạm khắc công phu, tỉ mỉ và rất độc đáo tạo thành bức tranh nghệ thuật. Các bức cốn, đầu bẩy, đầu dư, câu đầu, cửa võng… được chạm khắc tinh xảo hình tượng rồng, phượng, hoa, lá… Những nét chạm khắc tinh xảo bên trong đình Quan Lạn. Ảnh: Hoa Trang Trong các mảng chạm khắc, hình tượng con rồng được tái hiện với một tỷ lệ cao, hình ảnh sinh động. Rồng được chạm khắc trên ba mặt của đầu dư, trên cửa võng, xà, kèo, cốn và chắn gió… mỗi một hình rồng là một nội dung với cách cấu tạo bố cục khác nhau: rồng ngậm chữ Thọ, rồng uốn mình trong lửa, rồng ẩn hiện trong mây, cá hóa rồng... Hầu hết các hình rồng đều mang kiến trúc thời Nguyễn, trừ mảng phía Đông Nam còn giữ được bái đình mang kiến trúc đời hậu Lê. Có thể nói, đình Quan Lạn là một bộ sưu tập về hình tượng rồng trên điêu khắc gỗ mà ta ít gặp ở các ngôi đình khác. Chạm khắc hình rồng trên mái đình Quan Lạn. Ảnh: Hoa Trang Đình được xây dựng chủ yếu bằng gỗ mần lái - loài cây sinh ra và lớn lên trên vách các núi đá, loài cây chỉ có trên đảo đá Ba Mùn, vùng đảo Hải Vân - loại gỗ được mệnh danh “siêu tứ thiết” có khả năng chịu thử thách của thời gian với độ cứng hơn gỗ lim và chịu được nước biển. Trong cả nước cho đến này, chỉ có duy nhất đình Quan Lạn sử dụng gỗ mần lái. Một góc đình Quan Lạn. Ảnh: Hải Nam Đình thờ thành hoàng làng và các vị tiền bối có công quai đê lập ấp. Đình Quan Lạn đặc biệt ở chỗ, đây là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam thờ vua Lý Anh Tông (1138 - 1175), người có công thành lập ra trang, trấn Vân Đồn xưa (Quan Lạn ngày nay) năm 1149, mở mang giao thương buôn bán trong và ngoài nước. Đình còn thờ tướng Trần Khánh Dư - người có công lớn trong trận đánh thuyền lương giặc Nguyên Mông và gắn bó với vùng đảo này. Hiện nay, đình Quan Lạn còn lưu giữ được 19 đạo sắc phong của các triều vua Nguyễn và đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia cùng với quần thể di tích gồm đình, chùa, miếu, nghè. Chùa Quan Lạn Nằm ngay cạnh đình Quan Lạn là chùa Quan Lạn (có tên chữ là Linh Quang tự). Chùa có kiến trúc giản dị dựa trên nguyên tắc chồng đấu hoa sen, mái lợp ngói mũi hài. Hệ thống vì kèo cột gỗ theo kiểu giá chiêng chồng rường, trên các đầu xà, đầu trụ có chạm khắc hoa lá, chủ yếu là hoa sen. Ngoài sân chùa là một tòa Phật Quan Âm cưỡi rồng. Cổng chùa mới xây dựng vào cuối năm 2003, qua cổng chùa mới đến tam quan, rồi bái đường và hậu cung. Tam quan cao 3 tầng, phần dưới chính diện có một con rùa đá, trên lưng rùa đặt một bia đá chữ Hán ghi tên những người có công đức lớn cung tiến vào chùa, hai bên là hai ông Hộ Pháp; tầng hai treo một quả chuông đồng nặng khoảng 200kg; tầng ba được đặt tượng Phật Bà. Cổng và tam quan chùa Quan Lạn. Ảnh: Hải Nam Trong khuôn viên chùa thờ các nhóm tượng Phật, mẫu Liễu Hạnh và cụ Hậu. Tương truyền, cụ Hậu là người gốc Quan Lạn, không có con, về già cụ đã bán ruộng đất lấy tiền tu sửa vào chùa, vì thế dân làng đã tạc tượng cụ Hậu - là bức tượng dân gian khá đặc sắc còn lưu giữ và thờ trong chùa. Ngoài cùng, hai bên trái phải có tượng ông Ác và ông Thiện, tạc theo kiểu bán thân. Hiện nay, chùa còn lưu giữ hệ thống tượng Phật có giá trị điêu khắc mang đậm phong cách thời Nguyễn, các bức hoành phi, câu đối và sắc phong của vua Thành Thái (1889) phong cho mẫu Liễu Hạnh... Chùa Quan Lạn. Ảnh: Hoa Trang Ngoài đình và chùa, trên đảo Quan Lạn còn có những ngôi đền, miếu thờ Nhân thần có công lao lớn trong công cuộc bảo vệ đất nước như đền thờ ba danh tướng họ Phạm (Phạm Công Chính, Phạm Quý Công, Phạm Thuần Dụng), đền thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư (nghè Quan Lạn)... và nhiều ngôi miếu thờ các thiên thần - nơi cầu phước, gửi gắm lòng tin của dân đảo trước khi ra khơi. Đền thờ ba vị tướng họ Phạm nằm ngay bên cạnh chùa Quan Lạn. Ảnh: Hoa Trang Khuôn viên nghè Quan Lạn. Ảnh: Hải Nam Cụm di tích đình - chùa - miếu - nghè Quan Lạn thực sự là cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân biển, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 575/VHQĐ ngày 14/7/1990. Theo Tạp chí Du lịch

Có thể bạn quan tâm:

  • Tà Xùa
  • Ngành du lịch Bình Thuận chuẩn bị khôi phục sau dịch COVID-19
  • Nhót - Món ăn chua khoái khẩu của người Thái Sơn La
  • Đến Quảng Bình, "detox" tinh thần dưới dòng suối xanh ngọc bích
  • Bún xào lòng nghệ - món đặc sản thơm ngon và "trị ho" nổi tiếng xứ Huế
  • Mì thảy Nghiệp Ký nức tiếng Vũng Tàu
  • TP.HCM kêu gọi cộng đồng hiến kế phục hồi du lịch
  • Đưa rừng Trần Hưng Đạo thành “địa chỉ đỏ” trên hành trình du lịch
  • Mùa hái rong biển ở Nam Ô
  • Những trải nghiệm không nên bỏ lỡ khi du lịch Vũng Tàu