Những kinh nghiệm du Lịch Bắc Sơn – Lạng Sơn không thể bỏ qua

Những kinh nghiệm du Lịch Bắc Sơn – Lạng Sơn không thể bỏ qua

Bắc Sơn có tiềm năng, thế mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch leo núi… có những điểm du lịch kỳ thú về thiên nhiên, hang động, văn hoá lịch sử. Là nơi thích hợp cho các chuyến tham quan, tìm hiểu văn hoá lịch sử, phong tục, tập quán người dân địa phương… CẦN MANG NHỮNG GÌ? – Trang phục: Tùy vào mùa bạn du lịch Bắc Sơn bạn mang trang phục thích hợp với thời tiết. Tuy nhiên, do địa hình Bắc Sơn có nhiều núi đá vôi bao quanh nên nền nhiệt bao giờ cũng thấp hơn các nơi khác như Hà Nội khoảng 3-4 độ, dù đi du lịch mùa hè thì bạn vẫn nên mang theo chiếc áo khoác mỏng, vì nhiệt độ ban đêm ở Bắc Sơn có lúc giảm xuống thấp. – Giày: Mang giày leo núi chuyên dụng hoặc giày thể thao ôm chân để thuận lợi cho việc di chuyển. – Mũ để tránh nắng. – Thuốc chống muỗi, côn trùng. – Điện thoại smartphone, gậy chụp ảnh (dùng để check in, lưu giữ những tấm ảnh đẹp) hoặc máy ảnh chuyên nghiệp, flycam (nếu có). – Nếu bạn du lịch Bắc Sơn theo hình thức đi phượt bằng xe máy thì nên mang theo vật dụng sửa xe máy cơ bản như: dụng cụ sửa xe máy, miếng vá xe, bơm xe mini… NÊN ĐI DU LỊCH BẮC SƠN VÀO THỜI GIAN NÀO? Mỗi thời điểm đến Bắc Sơn bạn đều có những trải nghiệm khác biệt. Thời điểm được cho là đẹp nhất tại Bắc Sơn là từ tháng 7 đến tháng 10. Vì thời điểm này lúa trên những cánh đồng và thung lũng chín vàng, xen kẽ đó là sắc xanh của những thửa ruộng lúa chưa chín hoặc sắc nâu của các thửa ruộng đã được thu hoạch sớm. Nếu bạn là người đam mê tìm hiểu văn hóa, lịch sử thì tháng Giêng (âm lịch) cũng là thời điểm bạn nên đến Bắc Sơn để tham dự lễ hội Lồng Tồng diễn ra vào ngày 12 - 13 âm lịch tại xã Quỳnh Sơn hay lễ hội Ná Nhèm (lễ hội Mặt nhọ) diễn ra vào ngày 15 âm lịch tại xã Trấn Yên. ĐI BẰNG PHƯƠNG TIỆN NÀO? – PHƯƠNG TIỆN CÔNG CỘNG +  Từ Hà Nội bạn có thể bắt thẳng các tuyến xe đi Bắc Sơn. Các tuyến xe này có tại bến xe Giáp Bát, Yên Nghĩa, Mỹ Đình, Gia Lâm. Các bạn liên hệ với Nhà xe Dung Nghị 0985 381 888 – 0971 787 868 hoặc nhà xe Kế Lan  0968.259.555 – 0918.259.555 + Từ TP. Lạng Sơn bạn đến Bến xe Phía Bắc (Bến xe Lạng Sơn) dễ dàng mua vé xe đi về Bắc Sơn (khoảng 12 chuyến/ngày bắt đầu từ 7h sáng đến 18.00 chiều). Liên hệ  nhà xe Tuyên(xe Sư phạm) 0982 447 433 Nếu cần thêm thông tin xe đi Bắc Sơn, các bạn liên hệ trực tiếp với bến xe Bắc Sơn theo số điện thoại 0205 3837003 để hỏi chính xác giờ xe xuất bến. – PHƯƠNG TIỆN CÁ NHÂN Từ Hà Nội nếu đi bằng xe máy các bạn đi theo QL3 đi Thái Nguyên, nếu đi bằng ô tô các bạn đi cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Đến đoạn QL3 cắt với QL37 và QL1B thì rẽ theo đường 1B (hướng đi Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên) đi thêm khoảng 80km sẽ đến Bắc Sơn. LƯU TRÚ Ở ĐÂU TẠI BẮC SƠN? Hiện tại ở Bắc Sơn, cơ sở lưu trú đã đáp ứng được yêu cầu của du khách với loại hình nhà sàn du lịch cộng đồng (có cả phòng ngủ riêng) tại xã Quỳnh Sơn và xã Vũ Lăng và thị trấn Bắc Sơn. ĂN GÌ Ở BẮC SƠN? Nếu bạn ở nhà sàn du lịch cộng đồng bạn có thể đặt các suất ăn trực tiếp tại đó với giá từ 70.000 -130.000 đồng/ người hoặc ăn tại các nhà hàng bình dân tại Thị trấn Bắc Sơn. LỢN QUAY Lợn quay Lạng Sơn không giống với bất cứ vùng miền nào nhờ được tẩm ướp và quay nguyên con bằng than hoa với phương pháp quay thủ công truyền thống. Lợn quay với lớp vỏ bên ngoài vàng đều, giòn rụm, thịt bên trong mềm ngọt đậm đà gia vị và dậy mùi hương của lá mác mật, quả mác mật khô. Thịt lợn quay Lạng Sơn ngậy béo nhưng không ngấy, chấm với nước sốt lấy từ bụng con lợn sau khi quay thơm phức, thoảng hương mác mật đặc trưng khiến bất cứ thực khách nào nếm thử đều nhớ mãi. BÁNH CHƯNG ĐEN Bánh chưng đen được làm từ gạo nếp, đậu xanh và thịt. Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng nên gạo nếp của Bắc Sơn thơm ngon dẻo ngọt, sau khi ngâm gạo chừng 6 - 8 tiếng, gạo được vớt ra để ráo nước và trộn với gio của cây lúa nếp đã được lọc mịn. Bánh chưng đen được gói thủ công hình trụ. Bánh dài khoảng 30 cm, đường kính 6 – 7cm và dùng lạt dài cuốn chặt. Trước khi luộc bánh, người dân đem ngâm qua nước lạnh một lần, xếp vào nồi đổ nước cho ngập mặt lá, đun khoảng 4 - 5 tiếng thì vớt ra. Khi thưởng thức, người dân cắt bánh thành nhưng khoanh nhỏ. Khoanh bánh màu đen bóng của gạo nếp chắc mẩy cuốn trọn lớp nhân màu vàng của đỗ và thơm ngậy vị thịt khiến thực khách ngất ngây mong chờ thưởng thức. Bánh chưng đen Bắc Sơn ăn mát, không ngấy, không gây nóng cổ, thơm đậm đà làm say đắm lòng du khách. XÔI CẨM Xôi cẩm là món ăn đặc trưng được làm từ gạo nếp Bắc Sơn nhuộm màu tím đẹp mắt của lá Cẩm. Từng hạt gạo được chọn lọc kỹ càng. Lá Cẩm được giã nát vắt lấy nước. Sau khi làm sạch gạo, người dân đem gạo ngâm với nước lá cẩm khoảng 4 - 6 tiếng cho màu tím của lá cẩm ngấm vào từng hạt gạo. Sau đó đồ chín. Món xôi cẩm đạt chất lượng phải đảm bảo xôi có màu tím đều, hạt gạo bóng, xôi dẻo thơm không nát. Xôi cẩm thường được ăn với muối lạc hoặc muối vừng. Mùi thơm dẻo của xôi quyện vào vị bùi của muối lạc, đượm hương thơm của lá cẩm tạo nên món xôi đặc biệt mang hương vị riêng của Bắc Sơn. QUÝT BẮC SƠN Quýt Bắc Sơn từ lâu đã nổi tiếng thơm ngon, không giống bất kỳ nơi nào nhờ được trồng trên các lân hay còn gọi là thung lũng núi đá. Nhờ thổ nhưỡng và địa hình đặc trưng nên quýt khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, dóc vỏ, vị đậm, thơm. Du khách thường hay nói đùa với nhau rằng “Quýt Bắc Sơn muốn ăn vụng cũng không được!” vì mùi thơm của vỏ quýt mỗi khi bóc ra lan tỏa rất xa. Hiện tại ở Bắc Sơn cũng có những tour tham quan vườn quýt giúp du khách được tận mắt nhìn thấy những vườn quýt trĩu quả mọng vàng. CÁ SUỐI Cá được người dân địa phương bắt về bằng phương pháp thủ công từ những con suối nhỏ quanh vùng. Cá suối lớn tự nhiên không được chăm sóc bởi bàn tay con người nên có kích thước nhỏ. Cá được chao giòn rụm rồi cuốn với lá lốt, chấm với nước tương tạo nên món ăn với mùi vị dân dã, mộc mạc nhưng ấn tượng trong lòng thực khách. BÁNH RÁN Bánh rán là cái tên không mấy xa lạ với mỗi chúng ta, là món quà vặt quen thuộc của người dân địa phương. Bánh làm không quá cầu kỳ nhưng vẫn mang hương vị rất riêng của Bắc Sơn. Bánh rán Bắc Sơn được làm từ nguyên liệu chính là gạo nếp, đường mía và đậu xanh được rán vàng đều màu cánh gián. Khi ăn sẽ cảm nhận rõ rệt thành 3 lớp hương vị. Lớp ngoài cùng là vỏ bánh có vị ngọt và độ giòn vừa đủ để bao trọn được lớp thứ 2 là phần bánh mềm dẻo và lớp trong cùng là nhân bánh bùi thơm được làm từ đậu xanh. Hương vị bánh Rán Bắc Sơn chắc chắn sẽ để lại dấu ấn đậm đà trong lòng du khách. LẠP XƯỜN ƯỚP GỪNG NÚI Có rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam nổi tiếng với món lạp xườn nhưng lạp xườn ở Lạng Sơn thì hoàn toàn khác biệt. Lạp xườn được ướp với củ và cây gừng núi. Gừng mọc trên núi đá nên mùi vị thơm đậm nồng hơn các loại gừng bình thường, giúp món lạp xườn Lạng Sơn có màu hồng đẹp mắt đượm thơm mùi gừng núi. Thịt sau khi ướp được nhồi vào ruột non của lợn và được thắt thành tưng khúc như hình xúc xích. Có nhiều cách chế biến lạp xườn như lạp xườn nướng than hoa, lạp xườn chao, lạp xườn hấp… dù chế biến theo cách nào cũng thơm ngon đậm đà bản sắc xứ Lạng. THỊT LỢN RỪNG, LỢN MÁN Với mong muốn phát triển Du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường nên người dân địa phương đã nuôi lợn mán và lợn rừng để chế biến thành các bữa ăn phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và du khách. Nhờ địa hình và thổ nhưỡng được bao bọc bởi rừng núi nên dù là lợn rừng, lợn mán nuôi nhưng vẫn giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên như lợn hoang dã. Có nhiều cách chế biến thịt lợn nhưng món không thể không thưởng thức khi đến đây là món thịt lợn nướng lá mác mật hoặc nướng giềng. Thịt lợn được nướng bằng than hoa có màu vàng, dậy mùi thơm của gia vị với lớp bì giòn ngọt khiến du khách không thể không thưởng thức. CHƠI GÌ Ở BẮC SƠN? NÚI NÀ LAY Chinh phục Đỉnh núi Nà Lay là 1 trải nghiệm vô cùng thú vị mà hầu hết du khách khi đến Bắc Sơn đều muốn thử sức. Đỉnh núi Nà Lay có độ cao khoảng 600m so với mực nước biển. Đường lên đỉnh núi được xây bằng 1200 bậc đá. Cung đường này chỉ dành cho những ai ưa thích mạo hiểm, có thể lực tốt. Có 1 điều chắc chắn rằng cảnh đẹp từ đỉnh núi Nà lay không phụ lòng những ai chinh phục nó. Từ đỉnh núi, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thung lung Bắc Sơn khi thì ẩn hiện trong hương sắc mây trời, khi thì trong vắt dưới nắng như bức tranh thủy mặc, hoặc đắm chìm trong màu vàng của ánh hoàng hôn. LÀNG VĂN HÓA DU LỊCH CỘNG ĐỒNG QUỲNH SƠN Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn thuộc xã Quỳnh Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 2km về phía Bắc. Toàn bộ ngôi làng nằm gọn trong thung lũng Bắc Sơn với hơn 400 ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, cùng hướng về hướng Nam với thế tựa lưng vào núi. Toàn bộ làng Quỳnh Sơn như một bức tranh đa sắc màu với màu của núi, màu của đồng ruộng mênh mông, màu của dòng suối Quỳnh Sơn trong xanh uốn lượn và hơn thế nữa là sự hòa quyện của đời sống con người với vẻ đẹp của tự nhiên. THUNG LŨNG HOA BẮC SƠN Thung lũng hoa Bắc Sơn là thung lũng hoa lớn nhất Việt Nam với diện tích 20.000 m2, nằm ở thôn Lân Khoang, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) mở cửa đón khách từ tháng 11 năm 2018. Đây là một điểm hẹn lý tưởng cho những người yêu hoa ở vùng Đông Bắc bởi những loài hoa rực rỡ sắc màu, đua nhau khoe sắc cùng những cánh đồng hoa bất tận chạy dài dưới chân những ngọn núi hùng vĩ. BẢO TÀNG KHỞI NGHĨA BẮC SƠN Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn nằm cạnh đường quốc lộ 1B, thuộc thôn Long Hưng, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn, cách trung tâm thị trấn Bắc Sơn khoảng 2,5 km về phía bắc, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 80 km. Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn được xây dựng năm từ 1985 với dáng dấp mô phỏng kiến trúc một ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày. Nội dung trưng bày theo 3 chủ đề: Bắc Sơn thời tiền sử, Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Bắc Sơn phát huy truyền thống cách mạng. VƯỜN SINH THÁI SUỐI MỎ MẮM Vườn sinh thái suối Mỏ Mắm thuộc xã Chiến Thắng, Cách trung tâm thị trấn Bắc Sơn 24 km đang là một trong những điểm du lịch thu hút những người thích khám phá và cũng là điểm đến được nhiều gia đình lựa chọn nghỉ ngơi, tận hưởng không gian xanh mát và sản vật địa phương vào mỗi dịp cuối tuần. Suối Mỏ Mắm là suối nước nguồn chảy từ trong núi ra, nước suối trong vắt mát lành tạo nên một khung cảnh trữ tình, điểm nhấn là đài phun nước nhân tạo giữa thác, và cây cầu bắc bằng tre vắt ngang qua dòng suối. Tại đây, bên cạnh việc tham quan ngắm cảnh, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng của địa phương. VƯỜN QUÝT HANG HÚ Vườn quýt hang Hú thuộc xã Chiến Thắng, là điểm du lịch độc đáo, đường vào vườn quýt được dẫn qua 1 cửa hang với dòng nước nguồn chảy róc rách từ trong khe núi, nước chảy vào những phiến đá bắn ra những tia nước mát lạnh như màn sương. Bên trong vườn quýt có những phiến đá rêu phong trầm mặc khiến du khách khi đến nơi đây có cảm giác thiên nhiên rất đỗi gần gũi với con người. Tại đây có các chòi được dựng lên dưới những tán cây quýt nhiều năm tuổi, là nơi du khách nghỉ ngơi, thưởng thức các bữa ăn cùng bạn bè và gia đình. Đến với vườn quýt hang Hú, du khách còn có những trải nghiệm vô cùng thú vị tại cầu lên Đỉnh, Đỉnh tâm linh… Chắc chắn đây là nơi ghi dấu những ấn tượng về Bắc Sơn trong lòng du khách. ĐÌNH NÔNG LỤC Đình Nông Lục thuộc xã Hưng Vũ, đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1962. Đình Nông Lục là sự kết hợp hài hòa của lối kiến trúc đình cổ truyền thống đồng bằng Bắc Bộ với lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Tày ở Lạng Sơn, được xây dựng từ thời Nguyễn (năm 1927), sau này được tu bổ lại trên cơ sở giữ nguyên kiến trúc nghệ thuật truyền thống. Tại đình Nông Lục vào tối ngày 25/9/1940 đã diễn ra cuộc họp quan trọng của các đồng chí đảng viên châu Bắc Sơn để bàn phương án khởi nghĩa cướp chính quyền của thực dân Pháp tại đồn Mỏ Nhài. Cuộc họp đã ra Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo cuộc khởi nghĩa, thống nhất thời gian khởi nghĩa vào 20h ngày 27/9/1940. DI TÍCH TRƯỜNG VŨ LĂNG Di tích Trường Vũ Lăng thuộc xã Vũ Lễ, có diện tích 5000 m2, được Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết định công nhận là di tích Quốc gia vào năm 1992. Là một trong những ngôi trường tiểu học ra đời sớm ở Lạng Sơn. Đây cũng là một trong năm trường tiểu học của Bắc Sơn thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám. Trường do thực dân Pháp lập nên từ năm 1919 với mục đích đào tạo nên đội ngũ tay sai làm việc cho chúng. Năm 1940, khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, Vũ Lăng là một trong những địa bàn trung tâm của cuộc khởi nghĩa, trường là nơi đã diễn ra rất nhiều sự kiện lịch quan trọng của cuộc khởi nghĩa. Ngày 28/10/1940, cũng tại chính ngôi trường này đã diễn ra cuộc mít tinh lớn với sự tham gia của hàng ngàn người. Đồng chí Trần Đăng Ninh – Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ đã diễn thuyết về tình hình Pháp – Nhật, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân đế quốc, thành lập chính quyền Cách mạng. Đồng chí kêu gọi nhân dân ủng hộ cách mạng, giữ vững trật tự an ninh thôn xóm, thanh niên hăng hái tham gia du kích đánh Pháp đuổi Nhật. DI TÍCH KHUỔI NỌI Di tích Khuổi Nọi thuộc xã Vũ Lễ, có diện tích 5.000 m2. Đây là di tích cách mạng lịch sử trong quần thể khu di tích ATK Bắc Sơn đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1962. Đây là nơi diễn ra các cuộc họp của các cán bộ Trung ương chỉ đạo phong trào cách mạng Bắc Sơn và là nơi huấn luyện của Đội cứu quốc quân I. Khu rừng Khuổi Nọi – Tam Tấu là căn cứ địa cách mạng vững chắc cho Đội Cứu quốc quân I, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam. Tháng 6/1941, sau khi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 về, đoàn cán bộ Trung ương dừng chân tại rừng Khuổi Nọi. Tại đây đồng chí Trường Chinh (nguyên Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng), đã mở lớp bồi dưỡng chính trị về chương trình Việt Minh cho Đảng bộ Bắc Sơn; bồi dưỡng về phương pháp tổ chức quần chúng cách mạng cho các xã trong huyện. LỄ HỘI NÁ NHÈM Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, là nghi thức, nghi lễ thờ cúng thành hoàng Cao Sơn Quý Minh đại vương, thờ Đức vua Miêu Tĩnh và Đức vua Cao Quyết gắn liền với sự tích đánh giặc giữ làng và các hoạt động văn hoá, trò chơi, trò diễn của người Tày xã Trấn Yên. Trong lễ hội, các thành viên bôi nhọ lên mặt thể hiện khuôn mặt giặc “Sấc Tài Ngàn” khi còn sống. Đó cũng là quan niệm của đồng bào về linh hồn, thế giới tâm linh. Người tham dự lễ hội phải bôi nhọ mặt bởi họ tin rằng làm như thế sẽ đánh lạc hướng những linh hồn ma giặc, qua lễ hội sẽ không còn ma nào biết ai đã diễn lại hình dạng và sự thất bại của chúng trước dân làng mà bắt về gây tai họa, dịch bệnh cho họ cùng gia đình, người thân của họ. Bên cạnh đó, Lễ hội Ná Nhèm còn có nghi thức rước sinh thực khí (tàng thinh và mặt nguyệt) với ước nguyện sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn. Trải qua hơn 50 năm gián đoạn, Lễ hội được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng từ năm 2012 cho đến nay đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong vùng và du khách với các sắc thái đặc trưng riêng, mang đậm âm hưởng của lễ hội truyền thống, lễ nghi tiểu vùng văn hoá Bắc Sơn. LỄ HỘI LỒNG TỒNG QUỲNH SƠN Được diễn ra trong hai ngày 12 và 13 tháng Giêng hàng năm với nhiều nội dung phong phú và hấp dẫn. Sau phần lễ tế Thần Hoàng là rất nhiều trò chơi dân gian như cày hạ điền, đánh đu, tung còn, kéo co, cờ tướng, giã gạo. Đây cũng là dịp để nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã bảo tồn và phát huy những nét văn hóa bản sắc của dân tộc mình và quảng bá tiềm năng thế mạnh của điểm du lịch cộng đồng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn. Theo TTTTXTDL Lạng Sơn

Có thể bạn quan tâm:

  • Bệnh nhân Covid-19 thứ 251 tại Hà Nam tử vong do xơ gan giai đoạn cuối
  • Cà ra và lẩu cà ra
  • Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội An dừng các hoạt động văn hóa nghệ thuật Chào năm mới 2022
  • Vĩnh Long: Bồng bềnh sóng nước sông Hậu khám phá miệt vườn Cù lao Mây
  • Về Tầm Vu nhớ thưởng thức đặc sản trứ danh
  • Nam Chấn - Phường rối nước lâu đời nhất miền Bắc
  • 6 điểm check-in biển đẹp nhất Quảng Ngãi
  • Đặc sắc hội chọi bò người Mông ở miền Tây xứ Nghệ
  • Chương trình nghệ thuật thiện nguyện "Thương về miền Trung": Cả nước chung tay vì đồng bào ruột thịt
  • 8 điểm cho người Sài Gòn rong chơi dịp Tết dương lịch 2020