Xì xụp thưởng thức món bánh canh Nam Phổ - Huế

Xì xụp thưởng thức món bánh canh Nam Phổ - Huế

Bánh canh Nam Phổ là món hàng rong gia truyền của làng Nam Phổ (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế), cách trung tâm thành phố chừng 10 km. Không biết món ngon này có từ bao giờ nhưng nhiều gia đình ở làng Nam Phổ đã gắn bó với gánh bánh canh 3 - 4 đời nay. Món ăn bình dị này được chế biến tỉ mỉ, công phu và tốn thời gian. Sợi bánh được nấu từ bột gạo và bột lọc theo tỉ lệ “3 gạo - 1 lọc”. Thay vì được nhồi và cắt lát như các loại bánh canh khác thì bột phải chưng cất thủy. Chưng chín vừa phải rồi đem xuống đánh đều. Cho bột vào túi ni lông sạch rồi ria xuống nồi nước đang sôi. Những người khéo tay sẽ dùng que rồi cho bột chảy theo ý mình. Bột sẽ ra từng con thuôn tròn. Sau đó, vớt ra rá để ráo nước. Nước lèo nấu bánh canh Nam Phổ được dùng từ nước luộc tôm, cua tươi nên luôn có vị ngọt tự nhiên. Nhân bánh canh được chế biến từ thịt ba chỉ và tôm. Tôm là loại ở đầm, tươi, không tanh, thịt ngọt đậm đà. Tất cả được làm sạch, giã nhuyễn, viên nhỏ và nấu thành hỗn hợp sánh. Tôm kết hợp với thịt ba chỉ tạo nên màu đỏ gạch trông rất bắt mắt và kích thích vị giác. Phải công nhận đây là món chả tôm thơm ngon độc đáo, riêng biệt. Khi bột trong nồi vừa chín tới, bỏ tôm và thịt viên vào. Chờ đến lúc đáy nồi vừa sền sệt thì người nấu phải canh lửa để giữ nóng đủ độ cho món ăn. Không chỉ thu hút bởi mùi vị, tô bánh canh thật hấp dẫn với màu trắng của bánh xen lẫn nhân tôm thịt và màu xanh mướt của hành lá. Khi dùng, bạn nhớ trộn thêm chút nước mắm ớt xanh, vài cọng hành ngò. Hương vị đậm đà của tôm thịt cùng hành ngò hòa quyện cùng sợi bánh canh tạo nên sự đặc sắc cho món ăn đặc sản này. Bánh canh Nam Phổ là thức ăn dặm ban chiều của người Huế. Ngày xưa, bánh canh Nam Phổ không có tiệm, quán cố định, phần lớn do các cô gái Nam Phổ gánh từ làng lên bán. Buổi sáng từ khoảng 9h sáng, buổi chiều 2,3 giờ, lúc nào muốn thưởng thức là phải  ra đường để chờ gánh bánh canh Nam Phổ đi qua. Món ăn này ai cũng ưa thích, thích hợp cho mọi lứa tuổi, mọi hạng người. Món này đặc biệt lành tính và dễ ăn nên rất phù hợp cho trẻ em và người già. Người lao động ít tiền ăn một, hai tô vừa no lại vừa ngon; khách nhàn du gọi vào ăn một tô vài ba bánh lá để thưởng thức tài nghệ của các cô gái đảm đang xứ Huế./. Theo petrotimes.vn

Có thể bạn quan tâm:

  • Bánh lá dừa - Món quà đi cùng ký ức người miền Tây
  • Hoang sơ Mũi Rồng
  • Khu nghỉ dưỡng và khách sạn Ninh Bình Hidden Charm
  • Dừng hoạt động du lịch cưỡi voi ở Đắk Lắk
  • Thành phố Sầm Sơn tổ chức lễ hội tình yêu ở danh thắng hòn Trống Mái
  • Vẻ đẹp Bắc Sơn
  • Những món ăn dân dã của Quảng Bình
  • “Giếng nước siêu to khổng lồ” trăm tuổi ở thành phố cổ xưa nhất Miền Tây
  • Sở VHTTDL tỉnh Nam Định yêu cầu phục hồi nguyên trạng cầu Ngói chợ Thượng
  • Phố đêm Hoàng Thành Huế bước khởi đầu cho đề án kinh tế đêm